TP.HCM tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Cập nhật: 08/01/2022
HDBank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV... được vinh danh Thương hiệu Quốc gia
Đà Nẵng: phát hiện 2 cửa hàng bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng
VOV.VN - TP.HCM xác định tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số.
Sáng nay (8/1), UBND TP.HCM triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2022. Thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) 6% - 6,5%, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ.
Năm 2021, trong điều kiện rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19, kinh tế tăng trưởng âm 6,78% nhưng TP.HCM thu ngân sách vượt dự 4,5% dự toán, một số ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng dương.
Thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6- 6,5%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm khoảng 35% GRDP.
Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm lên dương từ 6- 6,5%, đồng thời tạo đà tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, TP.HCM xác định tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số.
Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, các chính sách ưu đãi lãi suất và đặc biệt là chuyển đổi số...
Các sở ngành của Thành phố rà soát, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp để thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; đầu tư có trọng tâm, chọn lọc; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết (đất đai, thủ tục...) nhằm mời gọi đầu tư; hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Sở đã hoàn tất các thủ tục và tiến hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4. Như vậy, 100% thủ tục do Sở Công Thương phụ trách đã thực hiện trên nền tảng trực tuyến, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng của người dân và doanh nghiệp chưa cao.
“Trong năm 2022, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông, các quận huyện, các hiệp hội, ngành nghề, tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này”, ông Tá cho biết./.
Từ khóa: chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp, mục tiêu tăng trưởng, dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ vốn vay, tphcm
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN