TPHCM nhếch nhác và ô nhiễm vì cách... dọn rác
Cập nhật: 14/03/2020
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo điều tra vụ tai nạn làm 6 người tử vong
Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam đặt ra một cách hiệu quả
VOV.VN - Xây dựng đô thị ngày càng văn minh hiện đại, mà chất lượng công tác vệ sinh môi trường lại “thụt lùi” thì hẳn sẽ gây nên nhiều khó khăn.
Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 19 vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, mỹ quan đô thị của TPHCM được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giải quyết rác thải ở các đô thị lớn như TPHCM là bài toán không hề đơn giản khi mà ô nhiễm không chỉ đến từ người dân mà còn đến từ chính các hoạt động vệ sinh môi trường. Xây dựng đô thị ngày càng văn minh hiện đại, mà chất lượng công tác vệ sinh môi trường lại “thụt lùi” thì hẳn sẽ gây nên nhiều khó khăn.
Một điểm tập kết rác nhếch nhác trên đường Hoàng Hoa Thám(quận Bình Thạnh, TPHCM). |
Đã hơn 5 năm nay, người dân ở gần đoạn giao lộ giữa đường Ung Văn Khiêm và Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM) phải chịu cảnh sống chung với rác. Hằng ngày, khoảng từ 10h sáng cho đến tận chiều tối, số lượng lớn xe thu gom rác tự chế tập trung về đây, nối đuôi nhau thành hàng dài. Nước từ rác thải trong xe theo các khe hở chảy rỉ xuống, loang lổ cả mặt đường.
Nước từ rác thải trong xe, theo các khe hở, chảy rỉ xuống, loang lổ cả mặt đường. |
Các thùng xe thì không được che đậy, chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua là đủ để đẩy “mùi hương đặc trưng” này bay xa, gây khó chịu cho người dân trong khu vực và cả người đi đường. Điều đáng nói là thời gian giữa các phương tiện thu gom, tập kết và chở rác về bãi tập trung bị lệch nhau, khiến cho rác tích tụ nhiều gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Đây là đoạn đường có lưu lượng phương tiện lớn, mặt đường nhỏ, tình trạng xe gom rác để tập trung, chiếm dụng phần đường trong nhiều giờ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông.
Điểm tập kết rác ở đoạn giao Ung Văn Khiêm và Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnhgây ảnh hưởng đến giao thông. |
“Bãi rác này có được mấy năm rồi. Bây giờ còn đỡ, chứ ngày xưa còn đổ đống ngoài đường, bẩn thỉu lắm, còn giờ để trên xe nên gọn gàng hơn. Làm xong người ta dội nước nhưng mà nước không chảy xuống được, đọng lại, bốc mùi hôi lắm. Người ta phải làm chỗ khác để chứa rác thì mới đỡ được”, ông Nguyễn Văn Minh, một người dân sống ở khu vực này bức xúc.
Các thùng xe rác "nối đuôi" nhau trên đường Hoàng Sa, quận 3. |
Tương tự, dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trên đường Hoàng Sa và Trường Sa cũng có nhiều điểm tập kết rác, trong đó lớn nhất là điểm nằm bên hông Xí nghiệp Ðầu máy Sài Gòn (quận 3, TPHCM). Theo anh Phan Anh Tú, chiều nào đi bộ dọc tuyến đường này, anh cũng bắt gặp cảnh thu gom rác rất nhếch nhác.
“Người ta đi qua lại đông mà bãi rác ở ngay đó rất ô nhiễm, rất hôi. Nếu thu gom rác vào đêm, người ta ít đi ra đường thì đỡ hơn và người dân sống gần đấy cũng khỏe hơn nữa”, anh Phan Anh Tú kiến nghị.
Một công nhân thu gom đang sắp xếp lại để rác không bị rơi ra ngoài. |
Mỗi ngày, từ sáng cho đến tối, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những chiếc xe rất thô sơ hòa vào dòng người đông đúc, len lỏi vào các khu phố, con hẻm để thu gom rác. Không phủ nhận công sức và sự vất vả của những người thu gom rác. Nhưng thực tế, cách dọn vệ sinh đang rất lạc hậu và thô sơ khiến những chiếc xe chở rác tự chế đi đến đâu là bốc mùi, nước rỉ ra đến đó.
Và hình ảnh những túi rác chất cao không được che đậy, treo lủng lẳng, có thể vương vãi ra đường bất cứ lúc nào khiến người dân ai cũng ngán ngại. Công tác vệ sinh môi trường nhằm mục tiêu làm sạch thành phố, nhưng hiện cũng đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông.
Theo GS. TSKH Lê Huy Bá, Khoa Môi trường và Biến đổi Khí hậu, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: các điểm tập kết trung chuyển có cái lợi là sẽ giúp cho quá trình thu gom được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do không được quy hoạch tốt, phần lớn các điểm trung chuyển ở gần khu vực đông dân cư, phương tiện thu gom không đảm bảo… đã gây nên tình trạng tái ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Rác được chất đầy mà không hề được che đậy, bốc mùi hôi thối. |
Do đó, nếu không thể di dời các điểm trung chuyển ra xa khu dân cư thì nên xem xét lại, có thể xây ngầm hoặc thậm chí là tính đến phương án bỏ các điểm trung chuyển rác thải. GS. TSKH Lê Huy Bá cho rằng: Đây là một thực trạng mà TPHCM đã bàn nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết được.
“Bây giờ phải phân loại triệt để, phân loại tại nguồn, rồi mới thu gom vận chuyển. Tăng cường các xe ép rác loại nhỏ, có thể đi vào các con đường, con hẻm nhỏ. Rồi sau đó chuyển thẳng ra chỗ xử lý, có thể là chỗ tái chế, chỗ chôn lấp hoặc nhà máy đốt”, GS. TSKH Lê Huy Bá nói.
Những năm vừa qua, TPHCM đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng giao thông đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, văn minh, hiện đại không thể tách rời với “sạch”. Thành phố này sẽ rất khó cuốn hút và giữ chân mọi người nếu vẫn khoác lên mình tấm áo “lười giặt”./.
Bà Rịa-Vũng Tàu huy động 500 người thu gom rác trên kênh Bến Đình
Cận cảnh quy trình thu gom rác thải ở khu phố cách ly Trúc Bạch
H’Hen Niê “đội nắng” thu gom rác cùng bạn trẻ ở quê nhà
Từ khóa: rác, thu gom rác, công nhân môi trường, xử lý rác, tập kết rác
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN