TP.HCM lập kế hoạch để dự án chống ngập 10.000 tỷ về đích trong năm 2026
Cập nhật: 17 giờ trước
Thách thức mới của báo chí thời AI
Thêm đồ họa vào sổ tay về hướng dẫn quản lý đất đai theo chính quyền 2 cấp
VOV.VN - Ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 212/NQ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý then chốt cho siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, UBND TP.HCM đã họp, chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để tái khởi động siêu dự án này.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, UBND Thành phố đã họp và chỉ đạo Tổ Công tác 1970 tham mưu Kế hoạch phân công cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai Nghị quyết 212 nhằm giải quyết công việc tồn đọng của dự án đến giai đoạn hoàn thành, nghiệm thu quyết toán, vận hành.
Sau khi UBND Thành phố ban hành Kế hoạch sẽ giám sát việc thực hiện để đảm bảo tiến độ. Công trình dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2026, quyết toán trong năm 2027.
Trước đó, ngày 21/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 212 nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết, vướng mắc lớn nhất về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư sẽ được giải quyết bằng việc cho phép UBND TP.HCM dùng quỹ đất để thanh toán. Chính phủ giao UBND TP.HCM quyền chủ động và chịu trách nhiệm toàn diện trong các quyết định của mình để tái khởi động dự án.
Cụ thể, TP.HCM sẽ phải thực hiện nhiệm vụ xác định quỹ đất và tiến hành định giá đất theo giá thị trường để thanh toán cho nhà đầu tư. Việc định giá đảm bảo minh bạch và tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về đất đai cũng như các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Trong trường hợp giá trị quỹ đất không đủ để thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng (sau khi đã rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý), TP.HCM sẽ phải tự cân đối, bố trí từ nguồn vốn đầu tư công của mình để chi trả phần còn thiếu.
Ngoài ra, thành phố cũng được giao toàn quyền quyết định việc điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để phù hợp với tình hình thực tế.
Để đảm bảo tính minh bạch, Chính phủ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, kiểm toán toàn bộ dự án trước khi quyết toán, nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ các nguyên tắc xử lý như: tuân thủ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; không hợp pháp hóa sai phạm và xử lý vướng mắc đúng thẩm quyền.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ là một trong những công trình trọng điểm chậm tiến độ, gây lãng phí, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đặc biệt quan tâm.
Trong các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo vào đầu năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhấn mạnh việc phải xử lý dứt điểm các vướng mắc tại những công trình, dự án trọng điểm bị trì trệ, hiệu quả thấp, gây thất thoát lớn.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Thành phố. Dự án chính thức khởi công ngày 26/6/2016.
Đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng và đang trong giai đoạn thi công hoàn thành các hạng mục công trình còn lại để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công tác thi công đang gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán, phải tạm dừng.
Từ khóa: chống ngập, TP.HCM, 10.000 tỷ đồng, Tổ Công tác 1970, phòng chống tham nhũng,10.000,Nghị quyết số 212/NQ-CP,dự án
Thể loại: Xã hội
Tác giả: hà khánh - ctv quốc việt/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN