TP.HCM chống đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến những ngày cận Tết
Cập nhật: 31/01/2024
VOV.VN - Những ngày trước Tết Giáp Thìn 2024, các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM tất bật thực hiện kế hoạch chuẩn bị cung ứng hàng hóa nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Trong giai đoạn 25-28 tháng Chạp, lượng hàng nhập chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dự kiến tăng 70-80% so với ngày thường. Cụ thể, ngày 25 Tết có khoảng 3.000 tấn hàng về chợ mỗi đêm, ngày 27-28 Tết khoảng 4.500 tấn.
Tương tự, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, trong tháng đầu năm 2024, lượng hàng về đạt 2.520 tấn/ngày đêm, nhiều hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, trong 6 ngày cao điểm trước Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 10% so với ngày thường và sẽ đạt đỉnh vào ngày 26 Tết với mức 3.500 tấn/ngày đêm.
Riêng ở chợ đầu mối Bình Điền, từ tháng 10/2023 đến nay, do nhu cầu thị trường giảm nên sản lượng hàng hóa bình quân đạt 2.400 tấn/ngày, giảm khoảng 400 tấn/ngày so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
Ông Phan Thành Tân - Giám đốc Công ty quản lý kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng khoảng 20-35% mỗi ngày. Vào khoảng 26, 27 tháng Chạp, sản lượng có thể tăng từ 40-60%, đạt khoảng 3.200 đến 4.000 tấn/đêm.
Vào những ngày cao điểm cận Tết, tình hình giá cả tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền tương đối ổn định, dự báo chỉ có một vài mặt hàng tăng từ 10-20% so với ngày thường. Để ổn định giá cả, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM yêu cầu ban quản lý các chợ đầu mối tiếp tục làm việc với chủ vựa, thương lái để nắm bắt tình hình sản lượng, dự báo cung - cầu, điều tiết lượng hàng nhập chợ, không để thiếu hụt hoặc dư thừa hàng hóa,
"Thời gian vừa qua thời tiết khá thuận lợi thành ra các hoạt động sản xuất, của các vùng nguyên liệu có sản lượng lớn. Trong khi sức mua hiện nay của thị trường không cao nên không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa và biến động giá trong thời gian cao điểm với những mặt hàng này là không có. Vấn đề còn lại ở đây là việc tập trung theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa từ 3 chợ đầu mối về các chợ lẻ", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, ba chợ đầu mối mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 70% nhu cầu hàng hóa của thành phố. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần nắm bắt, kiểm soát tình hình sản lượng, giá bán tại những nguồn cung ứng khác trên địa bàn thành phố.
Ban quản lý các chợ cần liên tục theo dõi tình hình giá cả thay đổi từng ngày, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây ra biến động giá cả. Sở Công thương phải làm đầu mối, phối hợp với Sở An toàn thực phẩm, Sở Tài chính truyền thông cho thành phố về cung cấp hàng hàng hóa an toàn để người dân vui xuân đón Tết.
"Đánh giá nay mình thấy như vậy nhưng nhỡ ngày mai tăng đột biến thì hàng đâu.Mình không để tạo ra sốt hàng hóa để giá cả sốt theo. Cho nên phải đảm bảo có hàng, hàng không bị nóng. Hôm nay hàng đầy đủ, ngày mai hàng lại thiếu, nó ghim hàng đến ngày 27,28 bán ra nữa thì giá cả sẽ khác", ông Dũng nói.
Từ khóa: tp hcm, chợ tết, hàng hoá tết, quà tết, chợ đầu mối tphcm, đầu cơ găm hàng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hoàng minh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN