TP.HCM ban hành quy trình 5 bước xử lý 5 nhóm công trình dự án tồn đọng

Cập nhật: 20/11/2024

VOV.VN - UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Kế hoạch này nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng về sử dụng các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên…thuộc phạm vi, địa bàn TP quản lý (gọi tắt là công trình, dự án tồn đọng).

Kế hoạch đặt ra mục tiêu chính là rà soát toàn diện các dự án tồn đọng thuộc phạm vi quản lý, xác định nguyên nhân vướng mắc và trách nhiệm từng đơn vị liên quan; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để, bao gồm cả các dự án ngoài thẩm quyền của thành phố; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài sản công đến các dự án đầu tư, tránh tình trạng thất thoát tài nguyên.

Ngoài ra, kế hoạch này nhấn mạnh việc xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ra tình trạng chậm trễ hoặc né tránh trách nhiệm, đồng thời khuyến khích những sáng kiến giúp tháo gỡ khó khăn.

UBND TP.HCM yêu cầu căn cứ theo Công điện 112 ngày 6/11 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát thực tế xử lý các công trình, dự án tồn đọng, tập trung vào 5 nhóm.

Nhóm thứ nhất là các dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Nhóm thứ hai bao gồm các tài sản công như trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Nhóm thứ ba là các tài sản, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn góp của nhà nước, bao gồm cả các dự án do doanh nghiệp FDI thực hiện nhưng sử dụng tài sản công.

Nhóm thứ tư là các dự án vướng mắc pháp lý do thanh tra, điều tra, xét xử. Nhóm cuối cùng là các khu đất lớn tại vị trí đắc địa nhưng chưa được khai thác.

TPHCM giao các các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo 5 bước.

Bước 1 là tổ chức rà soát các công trình, dự án tồn đọng. Việc này sẽ do Sở Kế hoạch – Đầu tư làm đầu mối, tổng hợp Danh mục các công trình, dự án tồn đọng cần tổ chức rà soát, đề xuất hướng xử lý.

Bước 2, TP sẽ phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện vướng mắc. Trong đó Sở Kế hoạch – Đầu tư sẽ đề xuất danh sách 10 – 20 công trình/dự án mỗi loại thuộc 3 nhóm là đầu tư công, đầu tư tư, đầu tư PPP đang được dư luận quan tâm, có khả năng xử lý dứt điểm trong năm 2024 để thúc đẩy xử lý ngay, song song với quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý tổng thể.

Bước thứ ba là xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai từ ngày 1/12 đến 31/12/2024. TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng dự án, bao gồm các thông tin về hồ sơ pháp lý, nguyên nhân chậm trễ và các thủ tục cần thiết để tháo gỡ. Các dự án ưu tiên sẽ được đẩy nhanh tiến độ ngay trong giai đoạn này.

Tiếp theo, bước thứ tư là thực hiện kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc và phối hợp giải quyết vướng mắc cho tới khi có kết quả cuối cùng. Các công trình, dự án được triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc chấm dứt thực hiện hoặc được xử lý theo hình thức cụ thể khác theo quy định pháp luật có liên quan.

Cuối cùng, bước thứ năm là tổng kết và đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện, dự kiến diễn ra từ tháng 12/2025 đến hết năm 2025. Thành phố sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, đồng thời nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan để kiến nghị với Trung ương sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn tái diễn tình trạng tương tự.

TP cũng giao Sở Nội vụ chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác với cán bộ năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp nhà nước kịp thời báo cáo UBND TP thông qua Sở Kế hoạch – Đầu tư để xem xét, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Từ khóa: dự án, TP.HCM, quy trình 5 bước, xử lý, 5 nhóm công trình, dự án tồn đọng

Thể loại: Xã hội

Tác giả: hà khánh/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập