TP HCM vẫn có thể đạt tăng trưởng kinh tế 7,5%

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, muốn kinh tế năm nay tăng trưởng 7,5% thì trong quý IV phải tăng trưởng đến trên 9%. Nhiều chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế 2024 vẫn trong tầm với của TPHCM khi lãnh đạo TP đang chỉ đạo quyết liệt.

Tín hiệu tích cực

Tiêu dùng nội địa là 1 trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. 9 tháng qua, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Thành phố đạt hơn 413.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhóm có mức tăng cao như lương thực thực phẩm tăng gần 12% và nhóm hàng hóa khác tăng hơn 17%.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ, sự chững lại của tiêu dùng kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024 do ảnh hưởng sau đại dịch và việc người lao động mất việc làm, một số doanh nghiệp phải đóng cửa. Nhưng hiện nay đã có sự chuyển biến trong tiêu dùng, nhu cầu của người dân tăng dần lên, doanh nghiệp sản xuất có đơn hàng, doanh nghiệp bán lẻ cũng đã chuyển đổi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng cùng với các biện pháp kích cầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Đối ngoại khu vực miền Nam và miền Trung của Central Retail nhận định: "Sau thời kỳ ngủ đông ngắn, người dân bắt đầu quay lại nhịp mua sắm. Hiện thói quen tiêu dùng có sự chuyển biến và sự cạnh tranh các kênh phân phối, nhiều mô hình mới ra đời, do đó các nhà sản xuất có nhiều cơ hội đưa sản phẩm của mình đi xa hơn, đến các vùng lân cận. Từ tháng 7, mọi việc dần quay trở lại và hy vọng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi."

Hệ thống siêu thị của Aeon cũng thực hiện nhiều hoạt động kích cầu đối với hàng tiêu dùng hàng ngày, mỗi ngày đều có giá tốt. Aeon liên kết với các nhà sản xuất để có giá tốt cho người tiêu dùng, kết hợp với nhà sản xuất địa phương để bán các sản phẩm nội địa, theo tiêu chuẩn của Aeon. Vì vậy, Aeon không chỉ tăng trưởng với tiêu dùng trong nước mà còn tham gia xuất khẩu nông sản.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Aeon Việt Nam cho biết: "Đối với sản phẩm nông sản, Aeon ngoài tiêu thụ nội địa thì còn kết hợp xuất khẩu bằng cách đóng gói, đông lạnh với lượng tiêu thụ sản lượng lớn. Vừa rồi sản phẩm chuối của Long An xuất khẩu qua Nhật và thị trường mới là Hồng Kông đã thay thế toàn bộ chuối Philippin ở Hồng Kông, cũng gây tiếng vang cho sản phẩm nông sản Việt Nam ở Hồng Kông."

Như vậy, ở thị trường bán lẻ trong nước, phản ánh trực tiếp nhu cầu tiêu dùng, nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận cùng với kỳ vọng ở mùa mua sắm cuối năm. Đồng thời, thông qua các doanh nghiệp phân phối, có thể thấy được tăng trưởng của cả tiêu dùng và xuất khẩu đều khả thi.

Hiện nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu đến hết năm và tuyển dụng thêm công nhân. Khi người lao động có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập sẽ kích cầu thêm tiêu dùng. Sở Công thương TP.HCM cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mại tập trung dịp cuối năm để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, nhu cầu mua sắm cuối năm sẽ tăng cao nhưng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải có giải pháp để cạnh tranh tốt hơn với hàng tiêu dùng Trung Quốc.

"Các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm việc hiện nay với gói kích cầu của Trung Quốc, hàng hóa của họ thông qua thương mại điện tử đang tràn vào thị trường Việt Nam. Việc này sẽ hứng cầu tiêu dùng cuối năm của Việt Nam, trong khi chúng ta cũng đang hy vọng hứng nhu cầu tiêu dùng tăng vào cuối  năm này. Nên nếu mình không có giải pháp tốt thì hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, chúng ta mất dần cơ hội."- Ông Hòa lưu ý.

Tăng trưởng mạnh vào cuối năm

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, tình hình kinh tế- xã hội TP 9 tháng đầu năm vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nói chung, song vẫn chưa đột phá. Kết quả đầu tư công đạt rất thấp (khoảng 20%) nhưng TP không điều chỉnh chỉ tiêu này mà tập trung giải quyết những vướng mắc để đạt kết quả cao nhất (95% kế hoạch vốn được giao). 

Còn về tăng trưởng kinh tế của TP, ông Phan Văn Mãi cho rằng, nếu muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý IV, TP phải tăng trưởng đến trên 9%. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, nếu không tập trung, không xác định đúng trọng tâm và không có những giải pháp đột phá thì khó hoàn thành được.

Theo phân tích của Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng, tình hình kinh tế- xã hội của TP tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn là 3 trụ cột chính tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. 9 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,9% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu thị trường đang tăng.

Ông Hoàng cho rằng, trong các trụ cột tăng trưởng thì sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu đều đang chuyển biến tích cực, còn động lực vốn đầu tư công là khó khăn.

Đặc biệt, công nghiệp TP đang bước vào chu kỳ sản xuất cuối năm, doanh nghiệp có đơn hàng đền cuối năm và cả cho đầu năm 2025. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì tăng trưởng…cho thấy sự phục hồi tích cực. 

"Thu ngân sách tăng 14,3% đã khẳng định một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng ổn định. Một điều rất đáng mừng là xuất khẩu sau bao nhiêu tháng giảm thì hiện đã tăng và thu từ xuất khẩu cũng tăng 1,2%. Thêm vào đó là chi ngân sách so với cùng kỳ thì bằng và chi thường xuyên tăng 14,1% là tín hiệu rất tốt góp phần tác động đến tăng trưởng của Thành phố."- ông Nguyễn Khắc Hoàng phân tích thêm.

Trước đó, sau sơ kết kinh tế- xã hội 6 tháng, TP.HCM đã có Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố đến năm 2025; Văn bản số 3843 của UBND TP đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, xác định các vấn đề phải tập trung triển khai.

Trên cơ sở đó, các sở ngành của TP đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá cho tới cuối năm 2024, thực hiện bằng được cái mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng kinh tế của quý 4 đạt trên 9% là mục tiêu rất thách thức nhưng có thể đạt được.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM có thể đạt được mục tiêu này và tạo đà tăng trưởng kinh tế cho năm sau.

"Thành phố do đại dịch Covid -19 nên 2 năm trước tăng trưởng trở về con số 0. Cho nên, Thành phố chỉ tập trung vào năm 2022-2023-2024 -2025, còn năm 2021 thì tăng trưởng âm nặng. Riêng năm nay, TP.HCM có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7-7,5%."- TS. Trần Du Lịch dự báo.

TS. Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP.HCM, Nhóm Nghiên cứu Báo cáo Kinh tế TP.HCM về phục hồi và thách thức (công bố tháng 7/2024) nhìn nhận, xuất khẩu, tiêu dùng trên địa bàn TP tiếp tục hồi phục, đang có xu hướng nhỉnh hơn mặt bằng chung cả nước. Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng, cộng thêm việc TP.HCM quyết liệt triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, mức tăng trưởng cả năm nay có thể đạt 7%-7,5%.

Quan trọng hơn, TP.HCM cần tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp thành phố nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn.

Từ khóa: Tăng trưởng kinh tế, 2024,TPHCM,tiêu dùng,công nghiệp,đầu tư công,xuất khẩu,tăng trưởng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: minh hạnh, lệ hằng- vov tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan