TP HCM ưu tiên cao nhất giải ngân đầu tư công trong quý IV

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 chiều 8/10, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian còn lại của năm, TP phải giải ngân đến 63.000 tỷ đồng. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, nhiệm vụ ưu tiên cao nhất trong quí IV là giải ngân đầu tư công.

Chuẩn bị hàng Tết, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà trên và ven kênh rạch

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP tăng trên 10%; trong đó bán buôn, bán lẻ tăng 11% đã góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế của TP. Bên cạnh doanh số về doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại dịch vụ tăng thì TP cũng có những giải pháp đi kèm để duy trì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn cả nước; quan trọng nhất là chương trình bình ổn thị trường.

Trong thời gian còn lại và đầu năm 2025, Sở Công thương sẽ thực hiện 3 triển lãm có quy mô lớn, có sự tham gia của các đối tác nước ngoài là triển lãm về vi mạch, triển lãm về công nghiệp hỗ trợ và những hoạt động xoay quanh Thương hiệu vàng TP.HCM. Sở cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chỉ tiêu giải ngân cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai đề án phát triển điện năng lượng mặt trời. Đồng thời thực hiện chương trình Khuyến mãi mùa Xuân (Shopping Season); chuẩn bị phục vụ hàng hóa Tết Nguyên đán 2025 đảm bảo được nguồn cung và giữ được giá. 

"Chúng tôi đã tổ chức chuẩn bị cho chương trình hàng hóa Tết bằng hội nghị kết nối cung cấp, hoàn thành trong cuối tháng 9/2024 để chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết 2025 đảm bảo nguồn cung, giữ được giá. Từ đầu năm 2024 đến nay, có giai đoạn khó khăn nhưng chương trình bình ổn giá thị trường giúp TP chỉ có 2 lần điều chỉnh giá và mức điều chỉnh khá nhỏ. Qua đó góp phần giữ ổn định chỉ số tăng về giá tiêu dùng", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.

Báo cáo về phát triển các dự án nhà ở xã hội để bố trí nhà trên và ven kênh rạch, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đầu nhiệm kỳ, toàn TP còn 21.000 căn nhà trên, ven kênh rạch và đưa ra mục tiêu giải tỏa 6.500 căn. Đến nay, TP đã thực hiện đạt được tỷ lệ 60%.

Sau khi có chỉ đạo của UBND TP thì đến nay khảo sát lại trên toàn địa bàn TP có 48.100 căn nhà trên và ven kênh rạch, và nhu cầu để bố trí nhà ở xã hội là khoảng 50% của con số trên. Hiện Sở đang hoàn thiện đề án này để trình UBND TP với tiêu chí là tất cả nhà trên và ven kênh rạch, cố gắng bố trí cho người không đủ điều kiện bồi thường hay tái định cư, không đủ điều kiện thuê, mua nhà ở xã hội được bố trí lên nhà ở xã hội.

"Qua rà soát ở các quận huyện thì đến nay có 19 khu đất có thể xây dựng được trên 20.000 căn nhà ở xã hội cho chương trình này. Nội dung này trong tháng 10 năm nay, Sở Xây dựng sẽ trình UBND TP để xem xét trình các cấp để thống nhất phê duyệt và triển khai thực hiện trên địa bàn TP trong năm 2025", Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm.

Giải ngân đầu tư công là ưu tiên cao nhất trong quí IV

Về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm nay TP được giao giải ngân 79.000 tỷ đồng và đến nay mới giải ngân được 16.000 tỷ đồng, còn lại 63.000 tỷ đồng phải giải ngân đến tháng 1/2025.

Ông Phan Văn Mãi phân tích, 63.000 tỷ đồng này được chia thành 5 nhóm.

Thứ nhất là các nhóm giải ngân cho giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng. TP đã tính toán và khả năng sẽ giải ngân ít nhất 28.000/30.000 tỷ đồng. Cụ thể là các dự án lớn như giải phóng mặt bằng rạch Xuyên Tâm (gần 13.000 tỷ đồng); dự án bờ Bắc Kênh Đôi (gần 5.100 tỷ đồng); 2 đoạn Vành đai 2 ở TP Thủ Đức (7.600 tỷ đồng). Riêng 3 dự án này đã hơn 25.000 tỷ đồng và các dự án giải phóng mặt bằng khác khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng nữa.

Nhóm thứ hai là các dự án khởi công mới khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó có các dự án rất lớn như thiết bị cho 3 bệnh viên cửa ngõ (1.200 tỷ đồng). Vấn đề là phải chuẩn bị dự án phê duyệt kịp đấu thầu, khi có nhà thầu thì tạm ứng được 30% và nếu có khối lượng xây dựng thì thanh toán theo khối lượng.

Nhóm thứ ba là các dự án đang thực hiện (9.6000 tỷ đồng). Qua kiểm tra tiến độ thì vẫn ổn và các chủ đầu tư sẽ tập trung để giải ngân theo kế hoạch.

Nhóm thứ tư là các dự án đang vướng khó khăn với Trung ương là hơn 10.000 tỷ đồng. Cụ thể là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng còn 6.800 tỷ đồng chưa giải ngân được và TP đang tính cách chuyển số tiền này sang các dự án khác; gần 4.000 tỷ đồng của dự án metro 1. 

Nhóm thứ năm là các dự án vướng mắc thủ tục ở TP, chủ yếu là quy hoạch gồm 57 dự án. Việc này TP đã giao Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng các quận, huyện để tháo gỡ. 

"Với tinh thần chúng ta đã liệt kê ra 5 nhóm này với 63.000 tỷ đồng và đã có phân giao nhiệm vụ rất cụ thể. Rất mong các đồng chí trong Thành ủy, đặc biệt là các đồng chí Bí thư các quận, huyện, TP Thủ Đức, các đồng chí Chủ tịch có mặt ở đây hết sức quan tâm để đôn đốc các chủ đầu tư tháo gỡ các vấn đề có liên quan tới sở, ngành mình, đến địa phương mình để chúng ta thúc đẩy giải ngân cũng là yếu tố quan trọng để chúng ta đảm bảo tăng trưởng của năm nay đạt 7,5%", ông Phan Văn Mãi đề nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hội nghị thảo luận và thống nhất với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất.

Trong đó, ưu tiên các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là các yếu tố phát triển bền vững, tăng cường giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chứ không chỉ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng mà không quan tâm đến các chỉ tiêu khác bền vững về môi trường, văn hóa xã hội.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa 7 nội dung chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 mà TP chưa triển khai và một số nhiệm vụ còn lại trong triển khai Nghị quyết 84 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP; Chủ động phối hợp với các bộ ngành để trình Thủ tướng tháo gỡ khó khăn các dự án đang vướng vượt tầm TP.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị tập trung giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong quý IV,

"TP với quyết tâm nỗ lực cao nhất để thực hiện kế hoạch đề ra. Đi kèm là kiểm tra uốn nén, xử lý các trường hợp không hay vì lý do nào đó không đạt theo yêu cầu do nguyên nhân chủ quan", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Từ khóa: TP.HCM, Giải ngân, TP.HCM, Bí thư Thành ủy,đầu tư công

Thể loại: Xã hội

Tác giả: hà khánh/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan