TP HCM cần có đột phá kết nối giao thông vùng để phát triển
Cập nhật: 05/05/2021
VOV.VN - TP HCM và các tỉnh trong khu vực cần có sự đột phá về hạ tầng giao thông, đẩy nhanh quá trình hình thành một đô thị hoàn chỉnh, một mô hình quản lý phù hợp để phát huy thế mạnh về vị trí và vai trò.
TP HCM làm gì để hiện thực hoá khát vọng vươn lên ngang tầm các đô thị ở khu vực Đông Nam Á. Đó là nội dung mà các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo Khoa học "Định hướng phát triển TP HCM thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045" do UBND TP tổ chức sáng 5/5.
Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ ngành, viện trường, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các tham luận nhấn mạnh, TP HCM đóng vai trò đầu tàu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng cho vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Cho nên, sự phát triển của TP là động lực cho sự phát triển của cả vùng, cả nước. TP đã xác định phát triển theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh thì phải đẩy nhanh chuyển đổi số, thực hiện chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, chỉ có con đường phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp để đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mới đưa TP HCM đạt được mục tiêu đề ra trong thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, TP HCM đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức, nhất là việc tăng dân số cơ học, biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông không đồng bộ… Chính vì vậy, tốc độ phát triển kinh tế của thành phố với nhiều chỉ tiêu bị chững lại và giảm. Cụ thể như, giai đoạn 1991-2010, tốc độ tăng GDP bình quân luôn 2 con số là 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần; nhưng trong 10 năm 2011-2020 những con số trên chỉ còn lần lượt là: 7,2%/năm và 1,2 lần.
Năm 2020, lần đầu tiên tính từ ngày thống nhất đất nước (1975) tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Các chuyên gia cho rằng, khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế của TP còn yếu, bộc lộ những bất cập; cơ cấu kinh tế chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế, trong đó bất cập lớn nhất là hạ tầng giao thông liên kết vùng kém.
Vì vậy, thời gian tới, TP và các tỉnh trong khu vực cần có sự đột phá về hạ tầng giao thông. Song song đó, TP HCM cần đẩy nhanh quá trình hình thành một đô thị hoàn chỉnh, một mô hình quản lý phù hợp để phát huy thế mạnh về vị trí và vai trò.
Trong đó, cần đặt thành phố Thủ Đức đúng với vị trí, vai trò động lực phát triển của TP HCM trong 10 năm tới. Tốc độ phát triển kinh tế phải duy trì ít nhất gấp 1,2-1,5 lần so với mức trung bình của cả nước, hoạt động kinh tế mang tính thị trường nhất trong cả nước. TP sẽ nâng cao vai trò cửa ngõ kinh tế trong nước và quốc tế. Cao hơn, TP HCM phải là nơi thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao cạnh tranh thể chế của nhóm ASEAN 4, tạo điều kiện tốt cho khởi nghiệp không chỉ cho người Việt Nam mà cả người Châu Á.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị: "Đột phá thành phố này đó là giao thông kết nối vùng. Chúng ta đã có quy hoạch giao thông vùng nhưng đến nay chưa có tuyến đường nào làm xong. Với giao thông như thế này thì đừng bao giờ nối liên kết kinh tế vùng. Nếu không đột phá cái này để phát triển vùng, đặc biệt là vùng đô thị TP HCM theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ thì thành phố sẽ bị bó chặt và không phát triển được”./.
Từ khóa: TP HCM, kết nối giao thông vùng, tăng trưởng kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN