Top 5 vũ khí Liên Xô thực ra chỉ là bản sao của phương Tây
Cập nhật: 10/01/2020
VOV.VN - Ba trong số những vũ khí huyền thoại này là bản sao có giấy phép từ bản gốc của Anh và Mỹ, nhưng cũng có một số là bản “replica” không phép.
Xe tăng BT-2
Với tốc độ cực kỳ ấn tượng (lên tới 70km/h khi di chuyển bánh lốp và 45km/h với bánh xích) và vũ khí ấn tượng (súng cỡ nòng 37mm và súng máy 7,62mm), xe tăng BT-2 được xem là một trong những xe tăng tốt nhất trên thế giới những năm 1930.
Xe tăng BT-2 (trái) và Christie 1931. Ảnh: RBTH |
BT-2k là bản sao chính thức từ phiên bản xe tăng M.1931 của Mỹ do John Walter Christie phát triển. Điều này trở thành thực tế bởi người sáng chế sẵn sàng bán những chiếc xe tăng của mình và tất cả các văn bản chính thức cần thiết cho Liên Xô. Ông thậm chí còn bày tỏ mong muốn được tới và làm việc ở Liên Xô.
Tuy nhiên, đến khi Chiến dịch Barbarossa bắt đầu, xe tăng BT-2 lại trở nên lỗi thời. Năm 1944, chẳng có “Christie phiên bản Nga” (Russia Christie - tên của loại xe tăng này) được tìm thấy trên các chiến trường Thế chiến 2.
Xe tăng T-26
Xe tăng T-26 là lực lượng tấn công chủ chốt của Hồng quân Liên Xô những năm 1930. Chiếc xe tăng chủ yếu do Liên Xô sản xuất thời điểm đó (11.384 linh kiện), đã chiến đấu hiệu quả trong Nội chiến Tây Ban Nha và là vũ khí đầu tiên đối mặt với cuộc xâm lược của Đức (vào Liên Xô) năm 1941.
Xe tăng T-26 với tháp pháo A-43(trái) và Vickers Mark E. Ảnh: RBTH |
Tuy nhiên, T-26 không phải có nguồn gốc từ Liên Xô. T-26 là phiên bản có giấy phép của xe tăng Vickers (Mark E) của Anh. Ở Liên Xô, chiếc xe tăng này được thay đổi khá nhiều, và quan trọng nhất là bỏ đi thiết kế 2 tháp pháo và chỉ để lại 1 tháp pháo.
Hầu hết những chiếc T-26 đã bị mất trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến chống Đức. Tuy nhiên, nguyên nhân lại không phải là do hỏa lực của quân Đức, mà là do điều kiện kỹ thuật khá kém của loại xe tăng này. Lính tăng Liên Xô thường bỏ lại những chiếc xe tăng khi bị hỏng vì họ không thể sửa chữa chúng.
Máy bay Li-2
Năm 1935, Liên Xô cần một chiếc máy bay mới phục vụ mục đích vận chuyển dân sự. Nước này quyết định mua một vài chiếc Douglas DC-3 của Mỹ và giấy phép sản xuất ở Liên Xô. Đây là lý do cho sự xuất hiện của PS-84.
Máy bay Li-2 (trái) vàDouglas DC-3. Ảnh: RBTH |
Tuy vậy, nó lại không phải là bản sao hoàn chỉnh của máy bay Mỹ. Với chủ yếu là các vật liệu nội địa, chiếc máy bay này có động cơ, cánh quạt và khung gầm do Liên Xô thiết kế.
Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại bắt đầu, chiếc máy bay dân sự này được chuyển đổi sang mục đích quân sự. Vì thế PS-84 trở thành Li-2. Được bảo vệ với súng máy 7,62, chiếc máy bay được sử dụng để đánh bom trong đêm, vận chuyển người và hàng hóa, cũng như triển khai lính dù.
Máy bay Tu-4
Không phải mọi vũ khí mà Liên Xô “sao chép” lại của Phương Tây đều hợp pháp. Đáng kể nhất phải nói đến máy bay ném bom chiến lược Tu-4.
Máy bay ném bom Tu-4 của Liên Xô (trái) vàB-29 Superfortress. Ảnh: RBTH |
Năm 1944, bốn chiếc máy bay ném bom chiến lược B-29 Superfortress buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Liên Xô sau khi bị trúng đạn ở Manchuria (Nhật Bản). Khi đó Liên Xô không chiến tranh với Nhật Bản, nhưng vẫn giữ các phi công Mỹ cùng máy bay B-29 lại.
Nhà lãnh đạo Stalin cảm thấy ngạc nhiên với những chiếc máy bay ném bom này. Chúng tốt hơn nhiều so với TB-3 đã lỗi thời Liên Xô. Tuy nhiên, mọi đề nghị Liên Xô gửi tới Mỹ về việc muốn có 100 chiếc máy bay B-29s đều bị Mỹ khéo léo từ chối.
Do vậy, ông đã yêu cầu sao chép toàn bộ chiếc máy bay này mà không được bỏ sót dù một chi tiết nào. Kết quả là Liên Xô có chiếc Tu-4 – một bản sao đầy đủ của máy bay ném bom Mỹ. Tuy nhiên đã có một số sự thay đổi. Ví dụ, động cơ máy bay Liên Xô đã được cải tiến thêm, do đó, nó mạnh hơn so với bản gốc.
Tên lửa R-1
Tên lửa chiến thuật quan trọng đầu tiên của Liên Xô, R-1, thực ra chỉ là bản sao tên lửa V-2 của Đức, “vũ khí báo thù” của Hitler đã đánh trúng London trong chiến tranh.
Tên lửa R-1 (trái) và V-2. Ảnh: RBTH |
Đầu tiên, khi nhà máy sản xuất V-2 của Đức ở Thuringia rơi vào vùng chiếm đóng của Mỹ. Khi khu vực này rơi vào quyền kiểm soát của Liên Xô, họ phát hiện ra rằng hầu hết tên lửa, các văn bản, các nhà khoa học do Werner von Braun dẫn đầu đã được đưa tới Mỹ. Liên Xô buộc phải bắt đầu việc sao chép vũ khí này với không nhiều vật liệu còn lại.
Đến cuối những năm 1945, với sự trợ giúp của 150 nhà khoa học Đức còn ở đây, Liên Xô cuối cùng cũng phát triển được tên lửa R-1 mới, với các vật liệu nội địa và một vài thay đổi so với bản gốc. Đây cũng là thời điểm Liên Xô thành lập Lực lượng Tên lửa Chiến lược./.
Từ khóa: vũ khí Liên Xô, Liên Xô nhái vũ khí Mỹ, xe tăng BT-2, xe tăng T-26, máy bay ném bom Tu-4
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN