Tổng thống Ukraine công du châu Âu, khơi dậy "sự nhiệt thành" từ các đồng minh

Cập nhật: 14/10/2024

VOV.VN - Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa có chuyến công du khắp châu Âu nhằm thúc đẩy “kế hoạch chiến thắng” trước thềm Hội nghị quốc tế về Ukraine vào cuối tuần này tại Đức. Nhà lãnh đạo Ukraine hi vọng có thể khơi dậy “sự nhiệt thành” của các đồng minh châu Âu, vốn phần nào đã nguội lạnh sau các cuộc bầu cử hồi giữa năm nay.

Đích đến của Tổng thống Ukraine trong chuyến công du nước ngoài lần này là một loạt những “tên tuổi” lớn của châu Âu như Anh, Pháp, Italia và Đức. Nhà lãnh đạo Ukraine hi vọng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể nhận được cam kết mạnh mẽ của các đồng minh đối với bản kế hoạch “chiến thắng” mà ông tin là “sẽ tạo ra những điều kiện phù hợp cho một kết thúc công bằng cho cuộc xung đột với Nga".

Cựu Tổng thống Donald Trump, một trong 2 ứng cử viên hàng đầu của cuộc đua vào Nhà trắng, từ lâu đã chỉ trích viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Trang tin Politico cuối tuần qua đã có bài viết đánh giá cơ hội thành công của 5 yêu cầu hàng đầu mà Tổng thống Zelensky tham vọng đạt được trong chuyến công du châu Âu. Tuy nhiên, chỉ có yêu cầu số 5 về thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí trong nước là khả thi. Hầu hết các yêu cầu còn lại như gia nhập NATO, tăng cường hỗ trợ hệ thống phòng không hay tên lửa tầm xa, tỷ lệ thành công đều rất thấp.

Từ nhiều tuần nay, Ukraine đã thúc ép châu Âu và Mỹ nhanh chóng “bật đèn xanh” để nước này có thể sử dụng vũ khí do các đồng minh cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề gây chia rẽ và Mỹ, Đức, Italia nằm trong số những nước phản đối.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte thừa nhận: “Về mặt pháp lý, Ukraine được phép sử dụng vũ khí của mình để tấn công các mục tiêu ở Nga nếu những mục tiêu này gây ra mối đe dọa cho Ukraine. Tuy nhiên, liệu nước này có thể làm được như vậy không cuối cùng vẫn tuỳ thuộc vào từng đồng minh riêng lẻ.”

Trong khi đó Văn phòng Thủ tướng Anh Kier Starmer đưa ra lập trường khá mơ hồ khi nhấn mạnh những thách thức của Ukraine trong mùa đông tới và cách đầu tư vào an ninh của Ukraine hiện nay sẽ hỗ trợ an ninh rộng lớn hơn của châu Âu cho các thế hệ tương lai.

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni thì tuyên bố sẽ tiếp tục thể hiện vai trò của mình nhằm giúp Ukraine tái thiết trong tương lai: “Mục đích hỗ trợ của chúng tôi là giúp Ukraine có điều kiện tốt nhất để thiết lập bàn đàm phán hòa bình. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, đàm phán không có nghĩa là đầu hàng,… Hướng tới tương lai hòa bình và thịnh vượng, hướng tới tương lai châu Âu cũng có nghĩa là hướng tới tái thiết”.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây, bao gồm hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính để duy trì cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm qua với Nga. Kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022, Ukraine đã ký khoảng 20 thỏa thuận an ninh song phương với nhiều đồng minh khác nhau nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, những thoả thuận này lại không cung cấp bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào giống như tư cách thành viên NATO. Ukraine đã xây dựng ngành công nghiệp vũ khí trong nước và muốn huy động thêm tiền từ người nộp thuế để chi trả cho nỗ lực chiến tra. Quốc hội Ukraine hồi tuần trước trong lần đọc thứ 2 đã thông qua dự luật tăng thuế quân sự từ 1,5% lên 5%. Một số sửa đổi dự kiến sẽ thực hiện trước khi văn kiện chính thức trở thành luật.

Từ khóa: Ukraine, châu Âu

Thể loại: Thế giới

Tác giả: thu hoài/vov1 (tổng hợp)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập