Tổng thống Trump đang châm ngòi cuộc chạy đua hạt nhân tại vùng Vịnh?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Với chính sách thiếu nhất quán, ông Trump đang đẩy Trung Đông vào một cuộc cạnh tranh hạt nhân nguy hiểm giữa Saudi Arabia và Iran.
Hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Iran nhằm hạn chế việc xuất khẩu dầu mỏ và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Trung Đông này, căng thẳng tại vùng Vịnh đã leo thang. Các tàu thương mại bị tấn công, tàu chở dầu bị bắt giữ và máy bay không người lái bị bắn hạ.
Căng thẳng vùng vịnh leo thang sau một loạt sự cố bắt tàu chở dầu. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp những vụ việc như vậy, cả Mỹ và Iran dường như đang kiềm chế, ít nhất là trong ngắn hạn nhằm tránh để xảy ra một cuộc xung đột mở. Tuy nhiên, mọi nguy cơ vẫn có thể hiện hữu nếu một bên nào đó tính toán sai lầm. Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận mà Mỹ đang áp dụng đối với vấn đề hạt nhân hiện nay ẩn chứa nhiều vấn đề và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Hai diễn biến gần đây đã cho thấy chiều hướng đó.
Trước hết, chính quyền Tổng thống Donald Trump bật đèn xanh cho các công ty Mỹ tham gia vào những dự án hạt nhân tại Saudi Arabia. Báo cáo do Ủy ban Giám sát quốc hội Mỹ công bố gần đây cho biết: “Liên quan đến Saudi Arabia, chính quyền Tổng thống Trump gần như xóa bỏ hoàn toàn ranh giới chia tách chính sách của chính phủ với các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài”.
Báo cáo nhấn mạnh, các thông tin thu thập được đã làm dấy lên những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu Nhà Trắng có sẵn sàng đặt lợi ích của bạn bè Tổng thống Trump lên trên an ninh quốc gia và mục tiêu ngăn chặn việc không phổ biến vũ khí hạt nhân hay không”. Nhà Trắng dường như cam kết cho phép chuyển giao các công nghệ hạt nhân nhạy cảm mà không đòi hỏi Riyadh tuân thủ các quy định pháp lý của Mỹ yêu cầu không tham gia hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, nhằm đối phó với sức ép gia tăng từ Mỹ, Iran tuyên bố sẽ rút khỏi một số lượng lớn các cam kết được đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu cộng đồng quốc tế không áp dụng những biện pháp giảm nhẹ tác động của lệnh trừng phạt của Washington đối với nền kinh tế nước này. Iran đã ngừng tuân thủ một số hạn chế về làm giàu urani và sản xuất nước nặng, viện dẫn các điều khoản 26 và 36 của thỏa thuận hạt nhân cho phép họ làm như vậy nếu các bên khác tái áp đặt biện pháp trừng phạt.
Giới phân tích cho rằng, sự bất lực của Mỹ trong việc xử lý hồ sơ Iran một cách rõ ràng và những chính sách không nhất quán của Washington đối với việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đang đẩy Trung Đông vào một cuộc cạnh tranh hạt nhân nguy hiểm giữa Saudi Arabia và Iran.
Tham vọng hạt nhân của Iran và Saudi Arabia
Tham vọng hạt nhân của cả Iran và Saudi Arabia đều đã hình thành từ rất lâu. Chương trình hạt nhân Iran được gieo mầm từ thời Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi với việc mở cửa Trung tâm hạt nhân tại Tehran cùng một lò phản ứng 5 MW được xây dựng dựa trên công nghệ của Mỹ vào năm 1967. Một năm sau đó, Iran đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và thành lập Cơ quan Năng lượng nguyên tử vào năm 1973, chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình hạt nhân và lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Bushehr với công nghệ của Đức. Sau đó Mỹ và Iran đã ký bản ghi nhớ hợp tác hạt nhân vào năm 1975.
Nhà máy hạt nhân nước nặng Arak của Iran. Ảnh: Getty. |
Mối quan tâm của Saudi Arabia đối với việc phát triển nghiên cứu hạt nhân bắt đầu từ những năm 1960 nhưng chỉ thực sự được triển khai vào cuối những năm 1970 khi nước này thành lập Trung Tâm khoa học kỹ thuật Abd Al-Azi và nghiên cứu khả năng mở cửa các nhà máy hạt nhân. Nước này cũng ký Hiệp ước NPT vào năm 1988.
Năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman, Riyadh chú trọng đến việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân và bắt đầu chào thầu. Mỹ đang hy vọng nhận được gói thầu này của Saudi Arabia.
Trong quá khứ, có nhiều cáo buộc cho rằng cả Iran và Saudi Arabia đã cố gắng tiếp cận trái phép công nghệ hạt nhân từ cùng một nhà cung cấp là Pakistan. Iran thừa nhận mua bản thiết kế từ nhà khoa học AQ Khan của Pakistan vào những năm 1990, còn Saudi Arabia tiếp tục chối bỏ cáo buộc. Để làm rõ nghi vấn, cả hai quốc gia đều chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Trái với Saudi Arabia, các cơ sở hạt nhân của Iran bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn, phần lớn do sức ép từ Mỹ, bất chấp sự thật rằng Iran đã tự nguyện thực hiện các thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm EU-3 (Pháp, Đức, Italy) từ năm 2003 đến năm 2005 như một biện pháp xây dựng lòng tin.
Dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, Iran tiến hành trở lại chương trình nghiên cứu hạt nhân và nước này đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt một số nghị quyết trừng phạt từ năm 2006 đến 2012. Khi Tổng thống Hassan Rouhanilên nắm quyền vào năm 2013, cách tiếp cận của Iran với vấn đề hạt nhân đã thay đổi đáng kể. Tehran quan tâm nhiều hơn đến các cuộc đàm phán với Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng xem xét khả năng chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia, nhưng cuối cùng Nhà Trắng quyết định không ký thỏa thuận với Riyadh sau khi quốc gia này không đồng ý với điều khoản do Mỹ đưa ra liên quan đến điều khoản không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thành công và thất bại của thỏa thuận hạt nhân Iran
Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ra đời nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran (song cũng gián tiếp nhắm vào Saudi Arabia), mang lại giải pháp hòa bình cho tranh cãi hạt nhân kéo dài, thông qua con đường ngoại giao đa phương. Tuy nhiên nó không đủ sức thuyết phục Saudi Arabia rằng mối đe dọa từ Iran đã bị loại bỏ.
Nhiều quan chức, bao gồm cả các thành viên cao cấp của Hoàng gia Saudi Arabia công khai chỉ trích thỏa thuận này, cảnh báo nó có thể kích hoạt một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực. Luận điều này được củng cố bởi hướng đi mới mà Tổng thống Trump áp đặt đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó hợp pháp hóa nguyện vọng xây dựng một chương trình hạt nhân đầy đủ của Saudi Arabia và để ngỏ chuyển giao cho nước này công nghệ nhạy cảm có thể dùng để sản xuất thiết bị hạt nhân.
Về phần mình, Iran luôn phủ nhận việc quan tâm phát triển vũ khí hạt nhân, bất chấp các mối đe dọa từ bên ngoài. Tehran cũng rất cẩn trọng khi tuyên bố các mục tiêu liên quan đến chương trình hạt nhân, khẳng định luôn theo đuổi chương trình vì mục đích hòa bình. Chính IAEA và các cơ quan tình báo của Mỹ cũng phải thừa nhận, Iran không chỉ đạo tiến hành bất cứ nghiên cứu hạt nhân nào để phục vụ cho các mục đích quân sự.
Tuy nhiên không loại trừ khả năng, “sức ép tối đa của Mỹ” và việc Washington chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Riyadh, sẽ khiến nhiều nhà chính trị của Tehran coi năng lực hạt nhân quân sự là yếu tố cần thiết để ngăn chặn hành động gây hấn của nước ngoài trong tương lai.
Nguy cơ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân sụp đổ
Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, với các chính sách không nhất quán ở vùng Vịnh, chính quyền Tổng thống Trump không chỉ khuyến khích một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực bằng cách cho phép Saudi Arabia tiếp cận công nghệ của Mỹ, mà còn làm suy yếu Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi các cường quốc hạt nhân nhất trí ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân vào những năm 1960, đã có nhiều trường hợp vi phạm luật lệ quốc tế để theo đuổi tham vọng hạt nhân. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn kép do chính quyền Tổng thống Trump áp dụng cũng gây tổn hại các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Mỹ theo đuổi việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên trong khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, bất chấp sự thật rằng Iran tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong thỏa thuận.
Ông Luciano Zaccara- chuyên gia phân tích chính trị của Đại học Qatar, nhận định, với quyết định này, chính phủ Mỹ đã phá vỡ một thỏa thuận đang hoạt động rất tốt, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chỉ để thỏa mãn lợi ích thương mại của một vài cá nhân gần gũi với Nhà Trắng và tạo lợi thế cho một bên trong cuộc cạnh tranh gay gắt tại Trung Đông.
Theo nhà phân tích Luciano Zaccara, dường như chưa có sự đồng thuận rõ ràng về các hoạt động hạt nhân nào bị coi là mối đe dọa, những bằng chứng mà các nước liên quan phải trình diện để chứng minh họ thực sự tuân thủ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và những công cụ nào, chẳng hạn như quân sự, kinh tế, chính trị nên được sử dụng để thực thi các quy định liên quan. Ông nhấn mạnh, cách tiếp cận sai lầm của Mỹ trong vấn đề hạt nhân đang làm suy yếu các thỏa thuận và tiến trình đàm phán đa phương, khiến Mỹ phải đơn phương tìm câu trả lời cho những câu hỏi nêu trên.
Trong bối cảnh Trung Đông đang rơi vào bất ổn, với sự phân chia quyền lực và đối đầu mạnh mẽ giữa các phe phái trong khu vực, việc thiếu một thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ sẽ làm gia tăng nguy cơ chạy đua hạt nhân và các cuộc tấn công, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn./.
Nga tố Mỹ đi ngược lại nguyên tắc loại bỏ vũ khí hạt nhân
Mỹ - Nga sẽ thảo luận về các giới hạn đối với vũ khí hạt nhân
Từ khóa: Tổng thống Trump, vùng Vịnh, Trung Đông, cuộc đua hạt nhân, Saudi Arabia
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN