Tổng thống Biden tìm cách hạn chế quyền sử dụng vũ khí hạt nhân với ông Trump?
Cập nhật: 1 giờ trước
VOV.VN - Các nhà lập pháp đảng Dân chủ ngày 12/12 đã viết thư thúc giục ông Joe Biden tìm cách hạn chế quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump vào tháng 1 tới. Cho tới nay, Nhà Trắng vẫn chưa hồi âm bức thư này.
Hai thành viên của đảng Dân chủ là Ed Marke và Ted Lieu đã gửi một lá thư cho ông Biden vào ngày 12/12 vừa qua, nói rằng ông nên thay đổi chính sách hiện tại của Mỹ để mở rộng quyền hạn của Quốc hội đối với bất kỳ lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân nào từ Tổng thống. Năm 2015, ông Lieu cũng đưa ra 1 đề xuất có nội dung tương tự.
Bức thư mô tả chính sách hạt nhân hiện tại của Mỹ là "nguy hiểm". "Khi ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Phòng Bầu dục, việc tước bỏ quyền phát động chiến tranh hạt nhân khỏi tay một cá nhân và đảm bảo vai trò hiến định của Quốc hội được tôn trọng và thực hiện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", nội dung bức thư nêu rõ, đồng thời lập luận rằng "việc hạn chế thẩm quyền hạt nhân của người kế nhiệm có thể trở thành một phần quan trọng trong "di sản" của ông Biden.
"Chúng tôi kêu gọi ngài hãy tuyên bố rằng từ nay về sau chính sách của Mỹ là sẽ không khởi xướng một cuộc tấn công hạt nhân nào nếu không được Quốc hội cho phép. Trong tình huống Mỹ đã bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Tổng thống sẽ giữ lại quyền đáp trả đơn phương", các nhà lập pháp viết trong thư.
Theo luật pháp Mỹ, Tổng thống đương nhiệm là người duy nhất có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân. Một báo cáo tháng 5 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội giải thích rằng đây là thẩm quyền "cơ bản" trong vai trò hành pháp của người đứng đầu Nhà Trắng với tư cách là Tổng tư lệnh Mỹ, mặc dù ý kiến của các cố vấn quân sự cũng ảnh hưởng phần nào tới quyết định cuối cùng của Tổng thống.
Đảng Dân chủ từ lâu đã bày tỏ lo ngại về khả năng ông Trump có thể ra lệnh tấn công hạt nhân vào các đối thủ của Mỹ. Tổng thống đắc cử, trong nhiệm kỳ đầu tiên và trong quá trình vận động tranh cử, đã đe dọa và ám chỉ rằng ông có khả năng thực hiện những hành động như vậy.
Ở phía đối lập, đảng Cộng hòa và ông Trump bày tỏ lo ngại rằng ông Biden và đảng Dân chủ đang đẩy Mỹ đến bờ vực chiến tranh hạt nhân, sau khi Nhà Trắng vừa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công sâu lãnh thổ Nga, dẫn đến hành động đáp trả từ Điện Kremlin. Trước đó, trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania hồi tháng 9, ông Trump cho rằng Mỹ "đang tiến gần đến Thế chiến thứ III nhờ sức mạnh của các loại vũ khí hiện đại, đặc biệt là vũ khí hạt nhân".
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Tổng thống Vladimir Putin và nhiều quan chức Moscow đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Học thuyết hạt nhân mới của Nga vừa được công bố mới đây cũng làm dấy lên lo ngại leo thang xung đột trong cộng đồng quốc tế.
Toàn bộ ý tưởng trao quyền tuyệt đối cho tổng thống Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân được xây dựng từ một giả định xuất hiện từ thời Chiến tranh lạnh cho rằng, nước Mỹ có thể gặp nguy hiểm nếu Nga phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Mỹ. Tuy nhiên, Chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn 30 năm và giả định này chưa bao giờ thành hiện thực.
Từ khóa: Trump, Biden, vũ khí, hạt nhân
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN