Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mới về tuổi hưu, giờ làm thêm, tiền lương
Cập nhật: 07/10/2019
Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng ở Đắk Lắk (25/11/2024)
Luật Nhà giáo khắc phục các bất cập trong ngành giáo dục hiện nay (22/11/2024)
VOV.VN - Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa công bố hàng loạt đề xuất, góp ý một số nội dung trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Tuổi hưu với lao động nữ chỉ nên là 58
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ (trong bối cảnh nước ta giảm biên chế) và nguyện vọng của một bộ phận người lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”. |
Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất (hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân từ 35 -45 tuổi) do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc. Mặt khác, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện.
Do vậy, Tổng Liên đoàn đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định. Công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát: Công chức (tăng tất cả), Viên chức (tăng một bộ phận lớn), Công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58).
Xác định “mức sống tối thiểu”
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh; nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động. Tuy nhiên, cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp cũng như bất lợi cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.
Đề xuất giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần
Về giờ làm thêm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” và giữ nguyên phương án 2 Điều 105 để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.
Về ngày nghỉ lễ trong năm, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với số ngày nghỉ lễ, tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2-5/9 hàng năm (tăng thêm 03 ngày so với quy định hiện hành). Phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học.
Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 02 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.
Tổng Liên đoàn Việt Nam cho rằng, việc tăng thêm 03 ngày nghỉ lễ giúp người lao động có thêm một số ngày nghỉ trong năm để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển./.
Tăng tuổi nghỉ hưu: Có nên “phân biệt” với người giữ chức vụ?
Tăng tuổi nghỉ hưu: Không nên cào bằng giữa các ngành nghề?
Từ khóa: tuổi hưu, giờ làm thêm, dự thảo bộ luật lao động, tổng liên đoàn lao động việt nam
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN