Tổng Giám đốc IAEA thăm Iran tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân

Cập nhật: 16/11/2024

VOV.VN - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi hôm qua (15/11) đã thị sát 2 cơ sở hạt nhân của Iran.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng khi châu Âu sắp công bố động thái ngoại giao liên quan đến hoạt động hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này, cũng như việc liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có tiếp tục chính sách “gây sức ép tối đa” lên chính quyền Tehran khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 hay không.

Theo truyền thông nhà nước Iran, ông Grossi đã thăm nhà máy hạt nhân Natanz và cơ sở làm giàu urani Fordow, được xây dựng bên trong một ngọn núi cách thủ đô Tehran khoảng 100 km về phía Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và IAEA đã xấu đi do nhiều vấn đề tồn tại lâu nay, bao gồm việc Iran cấm các chuyên gia làm giàu urani của IAEA tới nước này và không giải thích được về dấu vết urani được phát hiện tại các địa điểm không được khai báo.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi trước đó đã có các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao Iran, bao gồm Tổng thống Masoud Pezeshkian, Ngoại trưởng Abbas Araghchi và người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Mohammad Eslami. Nhân dịp này, giới chức Iran đã nêu ra các điều kiện đàm phán hạt nhân. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cam kết với Tổng Giám đốc IAEA rằng Iran sẵn sàng chấm dứt những bế tắc hiện nay liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này song sẽ "không khuất phục trước áp lực".

“Cộng hòa Hồi giáo Iran đã sẵn sàng đàm phán hạt nhân, sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ các thỏa thuận trước đó với IAEA. Điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm túc của các bên. Cộng hòa Hồi giáo Iran đã thiện chí ký kết thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và thực hiện nó, trong khi các bên khác đã rút lui. Con đường đối đầu không phải là con đường có lợi cho bất kỳ bên nào. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực này và hy vọng rằng các bên còn lại cũng có chính sách hợp lý”.

Ông Araghchi cho biết, các cuộc đàm phán giữa ông với người đứng đầu IAEA tốt đẹp và mang tính xây dựng, đồng thời nhấn mạnh hai bên sẽ vạch ra một con đường mới để giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân giữa Iran, cơ quan này và các bên khác. Ngoại trưởng Iran nêu rõ do chắc chắn được bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đang theo đuổi, nên Iran không có vấn đề gì khi hợp tác với IAEA.

Cùng ngày, sau cuộc họp với Tổng Giám đốc IAEA, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cảnh báo Iran sẽ nhanh chóng phản ứng với bất kỳ nghị quyết nào mà Hội đồng Thống đốc IAEA đưa ra chống lại Iran.

“Iran luôn tuyên bố rằng bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo Iran chắc chắn sẽ đối mặt với các biện pháp đáp trả cứng rắn và chúng tôi sẽ không cho phép những áp lực như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình của mình trong khuôn khổ lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Trong khi đó, khi được hỏi về nguy cơ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi nhấn mạnh các cơ sở này không nên là mục tiêu của bất kỳ vụ tấn công nào. IAEA và Iran đã hợp tác trong thời gian dài và hiện là thời điểm quan trọng để đạt được những kết quả rõ rệt cũng như truyền tải thông điệp đến thế giới rằng các bên chọn con đường khác thay vì xung đột và đối đầu.

"Thực tế là căng thẳng quốc tế và căng thẳng khu vực vẫn tồn tại, những điều này cho thấy không gian đàm phán và ngoại giao không phải đang lớn hơn, mà đang thu nhỏ lại. Và trong mọi trường hợp, với tư cách là người đứng đầu IAEA, tôi có trách nhiệm luôn tìm kiếm các giải pháp hợp lý về mặt kỹ thuật để mở rộng không gian cho sự hiểu biết chung”.

Chuyến thăm lần này của ông Grossi gây chú ý khi diễn ra trong bối cảnh vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết giữa Tehran và IAEA. Các cường quốc châu Âu đang thúc đẩy để đạt được một nghị quyết mới chống Iran từ hội đồng giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc vào tuần tới để gây sức ép với Tehran trong hợp tác về vấn đề hạt nhân. Nghị quyết này có nguy cơ gây thêm căng thẳng ngoại giao với Iran. Lại thêm việc Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 cũng được cho là có khả năng sẽ làm đảo lộn các hoạt động ngoại giao hạt nhân với Iran, vốn đã bế tắc dưới thời chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden sau nhiều tháng đàm phán gián tiếp mà không đem lại kết quả đột phá nào.

Từ khóa: iran, hạt nhân iran, thăm iran, vấn đề hạt nhân, tổng giám đốc iaea, iaea, cơ sở hạt nhân

Thể loại: Thế giới

Tác giả: phương anh/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan