Tổng công ty Đường sắt lên tiếng về việc khách phàn nàn phí trả vé tàu quá cao
Cập nhật: 03/02/2021
VOV.VN - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đây là quy định chung của ngành đường sắt, trên thế giới họ cũng quy định tương tự như vậy.
Lo ngại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến nguy hiểm và phức tạp, hàng trăm hành khách đã đến các ga đường sắt để hoàn trả lại vé tàu đã mua về quê dịp Tết Nguyên đán 2021. Tuy nhiên, nhiều hành khách bức xúc phản ánh phí để hoàn vé 30% hiện đang áp dụng là khá cao.
"Mức phí hoàn vé 30% là cao trong bối cảnh thu nhập của người lao động ngày càng giảm do tác động của dịch bệnh, trong khi đó lại phải chờ đến 3 tháng mới được hoàn tiền", chị Phương Anh, một hành khách chia sẻ.
Nhiều hành khách khác cũng không đồng tình cho rằng trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, thu nhập giảm, ngành đường sắt nên có những chia sẻ với hành khách bằng việc hoàn vé miễn phí, hoặc thấp hơn mức phí hiện tại, và thời gian hoàn tiền không nên kéo dài tận mấy tháng như hiện nay.
Quy định đã có từ lâu
Về vấn đề này, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mức phí hoàn vé 30% là quy định đã có từ lâu của đường sắt Việt Nam nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ vé mỗi dịp Tết đến.
Cụ thể, theo quy định của ngành đường sắt, trong đợt vận chuyển hành khách Tết Tân Sửu, đối với vé cá nhân trả vé trước giờ tàu chạy 10 giờ đến dưới 24 giờ, lệ phí là 30% giá vé từ 1 ngày đến dưới 5 ngày, lệ phí là 20% giá vé; từ 5 ngày trở lên, lệ phí là 10% giá vé.
Đối với vé tập thể, nếu trả vé trước giờ tàu chạy từ 1 ngày đến dưới 5 ngày, lệ phí là 30% giá vé; từ 5 ngày đến dưới 10 ngày, lệ phí là 20% giá vé; từ 10 ngày trở lên, lệ phí là 10% giá vé.
Các mức phí trả vé trên được áp dụng đối với các vé đi tàu trong khoảng thời gian: Từ ngày 5/2/2021 đến hết ngày 13/2/2021 đối với mác tàu số chẵn; Từ ngày 14/2/2021 đến hết ngày 27/2/2021 đối với mác tàu số lẻ; Từ ngày 5/2/2021 đến hết ngày 10/2/2021 đối với mác tàu số lẻ, có ga đi là ga Hà Nội, có ga đến từ các ga Phủ Lý đến Đồng Hới; Từ ngày 14/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 đối với mác tàu số chẵn, có ga đi từ các ga Đồng Hới đến Phủ Lý và có ga đến là ga Hà Nội.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Tân Sửu 2021 trên tuyến Bắc - Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy 10 đôi tàu Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại) và tăng cường chạy hàng chục đôi tàu khách khu đoạn trên các tuyến: Sài Gòn – Vinh, Sài Gòn – Đồng Hới, Sài Gòn – Đà Nẵng, Sài Gòn – Quảng Ngãi, Sài Gòn – Quy Nhơn, Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Phan Thiết; Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Đồng Hới, Hà Nội – Đà Nẵng... và ngược lại.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch covid 19, Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì chạy tàu trên các tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời, triển khai các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu.
"Đây là quy định chung của ngành đường sắt, trên thế giới họ cũng quy định tương tự như vậy. Dịch bệnh ngành đường sắt cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy rất mong người dân chia sẻ với ngành đường sắt. Chúng tôi chỉ hoàn tiền không mất phí khi hủy chuyến không chạy, nhưng hiện đường sắt vẫn chạy đủ các tuyến vì vậy không thể miễn phí hoàn vé được", ông Vũ Anh Minh bộc bạch.
Khách ồ ạt trả vé khiến ngành đường sắt gặp khó
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, ngành đường sắt đã có nhiều hỗ trợ cho hành khách. Chẳng hạn, đối với hành khách đã mua vé trong thời gian từ ngày 2/2/2021 đến hết ngày 28/02/2021 (tức từ 21 tháng Chạp năm Canh Tý đến 17 tháng Giêng năm Tân Sửu), có nhu cầu đổi, trả vé, ngành đường sắt cũng có các chương trình hỗ trợ tối đa cho hành khách.
Cụ thể, sẽ bảo lưu vé trong thời gian 1 năm (365 ngày) kể từ ngày khởi hành in trên vé. Trong trường hợp, hành khách có nhu cầu thay đổi thời gian và hành trình đi tàu, hành khách sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ trả chênh lệch giá vé (nếu có). Thậm chí, hành khách được đổi vé, sang tên vé cho người khác. Hành khách thực hiện việc bảo lưu vé trực tiếp tại cửa vé của các nhà ga, ngành đường sắt sẽ thực hiện việc trả tiền chênh lệch và tiền hoàn vé từ 1/1/2022.
Để chia sẻ khó khăn với ngành đường sắt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh, việc hoàn tiền cho hành khách sẽ được thực hiện sau 90 ngày (tính cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và Lễ, Tết) kể từ ngày trả vé.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện số tiền hành khách hoàn trả đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây được ghi nhận là số vé tàu bị trả lại nhiều nhất từ trước tới nay của ngành đường sắt. “Trong bối cảnh khó khăn, Tổng công ty cũng đã huy động tối đa tiền mặt để hoàn trả cho hành khách”, ông Vũ Anh Minh cho biết thêm./.
Từ khóa: đổi trả vé tàu, thủ tục đổi trả vé tàu, Tổng công ty Đường sắt, phí trả vé tàu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN