Tổng Bí thư Tô Lâm: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Sáng nay (18/11) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, GS-TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự và chủ trì buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. 

Cạnh tranh chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước

Bày tỏ vui mừng tới dự buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm thân ái gửi đến các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng như các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư khẳng định, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho giáo dục phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. 

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới giáo dục đào tạo cũng được Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nổi bật là hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được hoàn thiện theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập; quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân. 

Biểu dương những thành tựu đã đạt được trong đổi mới giáo dục, đào tạo thời gian qua của toàn ngành giáo dục, của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt được, Tổng Bí thư nhấn mạnh, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Điều này thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.

Theo Tổng Bí thư, để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu cùng với cả hệ thống chính trị thì cũng đòi hỏi sự chung sức đồng lòng, quyết tâm rất lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Trên tinh thần này, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề để toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện trong thời tới, đó là phải tập trung thực hiện cho bằng được hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng.

Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng. Quan tâm dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài.

"Đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng tri thức, kỹ năng, phẩm chất của người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng thực học, chống bệnh thành tích. Chuyển mạnh giáo dục đại học từ lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang dạy kỹ năng, dạy cách học, cách tư duy là chủ yếu"- Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. 

Những công việc cần làm ngay

Đề cập về những công việc cần phải làm ngay, Tổng Bí thư đề nghị, cần triển khai ngay giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. Bởi thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. 

Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra.

Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, phải dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thu hút được người giỏi vào ngành Giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hải đảo.

Có giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, vừa làm việc trong ngành giáo dục, đồng thời cống hiến ở ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng môi trường học tập thật sự lành mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường với gia đình, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của gia đình và trách nhiệm của xã hội.

Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “Non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, một lần nữa Tổng Bí thư đề nghị và mong muốn, đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo; phấn đấu cũng cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Đất nước.

Dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội./.

Từ khóa: giáo dục, giáo dục, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Tổng Bí thư Tô Lâm

Thể loại: Nội chính

Tác giả: văn hiếu/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập