Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho Thanh Hoá sự quan tâm đặc biệt
Cập nhật: 25/07/2024
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam
Thủ tướng tiếp Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar
VOV.VN - Mấy ngày hôm nay, xứ Thanh mưa rả rích, lòng người buồn thương khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần về thăm Thanh Hoá, những nơi Tổng Bí thư đến đều để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương những tình cảm sâu nặng.
Chiều 19/7, sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Lương Văn Quang, nguyên Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát thẫn thờ cầm trên tay bức ảnh ông vinh dự được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 13 năm về trước. Bức ảnh là kỷ vật của cuộc đời ông, luôn nhắc nhớ ông về giây phút ngắn ngủi ngày 1/9/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác dừng chân ở bản Khằm 1 để thăm hỏi bà con dân bản. Ông Quang nhớ lại, vì đường xa, đi bộ, sợ Tổng Bí thư mệt, trong đoàn có người xin ý kiến Tổng Bí thư để người dân tập trung một chỗ rồi Tổng Bí thư đến gặp, nhưng Tổng Bí thư nói “đường khó, dân đi được, mình cũng đi được, ta phải đến gặp nhân dân”.
Ông Lương Văn Quang nói: "Bác bảo là phải cố gắng cùng nhân dân phấn đấu, mình ở biên giới xa xôi thì nhiều khó khăn, cố gắng vượt khó khăn, làm sao để có cuộc sống đầy đủ trong dân. Tôi cũng hứa với Bác, cháu sẽ cố gắng nghe lời Bác thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi cũng luôn nhắc nhở và đến giờ thì nhân dân cũng có niềm tin phấn đấu, nhiều cố gắng, hiện tại tỷ lệ đói nghèo giảm đi nhiều. Trước bản Bác ghé thăm 100% hộ nghèo, giờ có nhà có 5-6 con trâu, máy xát, xe máy…"
13 năm về trước, huyện biên giới Mường Lát tỉnh Thanh Hoá vui mừng được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm. Theo lời kể của Phó Bí thư Huyện uỷ Mường Lát - Triệu Minh Xiết (lúc đó là Trưởng phòng dân tộc huyện Mường Lát): trong chuyến thăm, làm việc, Tổng Bí thư luôn trăn trở, đau đáu về đời sống bà con nhân dân các dân tộc khu vực biên giới. Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư đã chỉ đạo Thanh Hoá chọn xã Mường Chanh làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mường Lát cũng là vì mong muốn người dân có cuộc sống tốt hơn. Ông Triệu Minh Xiết nhớ như in lời căn dặn của Tổng Bí thư: “Mường Chanh có cửa khẩu và giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào), nên càng phải thực hiện được mục tiêu này, bởi đây là bộ mặt của huyện. Là huyện miền núi khó khăn, các cán bộ ở đây phải cố gắng hơn anh em dưới xuôi. Hơn hết, cán bộ phải gương mẫu đi đầu, vừa cổ vũ, động viên, vừa xắn tay giúp dân vươn lên thoát nghèo”.
Ông Triệu Minh Xiết nhấn mạnh: "Quan điểm là luôn lấy chỉ đạo, chuyến thăm của Tổng Bí thư là kim chỉ nam hành động, thực hiện nhiệm vụ. Chủ yếu là lo cho dân, Bác cũng lo cho dân thôi. Trong dịp này thì Đảng bộ và nhân dân Mường Lát rất đau xót vì biết Tổng Bí thư đã không qua khỏi. Để thực hiện di nguyện của Bác thì chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo, thay đổi cuốc sống, sớm thoát nghèo theo chỉ đạo và di nguyện của Bác".
Lời căn dặn của Tổng Bí thư chính là lời động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát, đặc biệt là tại các xã mà Tổng Bí thư đến, nỗ lực hơn, cố gắng hơn để tạo ra những chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, ở huyện Mường Lát, những ngôi nhà sàn mới mọc lên ngày càng nhiều, trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường. Người dân đã biết làm kinh tế hộ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Lần thứ 2 trở lại thăm Thanh Hoá là tháng 8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt đối với Khu kinh tế Nghi Sơn. Tổng Bí thư đã đồng ý với chủ trương điều chỉnh quy hoạch, mở rộng diện tích Khu kinh tế để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất này. Ngày 2/3/2017, Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng quy hoạch từ hơn 18.600 ha lên 106.000 ha với mục tiêu xây dựng thành khu vực phát triển kinh tế năng động đột phá, nhanh và bền vững, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ngày 17/7/2020, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, chính thức thông qua Đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và đồng ý ban hành nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đã đặt niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào tỉnh Thanh Hoá
"Tôi thì tôi rất thích câu của Bác Hồ, lúc đầu nói đó, Cụ nói nôm na, mộc mạc, rất sâu sắc. Cụ chỉ nói “Thanh Hoá muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được”, khẳng định như đinh đóng cột. Bác phân tích là của cải nhiều, nhưng chỉ thiếu sự điều khiển và sắp xếp. Tại sao Bác nói nhất định được, tại sao mong muốn là kiểu mẫu, là vì vị trí của Thanh Hoá rất quan trọng, cho nên Thanh Hoá không thể thua kém các tỉnh khác, vị thế như thế. Nhất định được là vì sao, là vì của cải nhiều, là vì dân đông, là vì vị trí của Thanh Hoá nằm ở khu vực, nếu không gọi là thế Rồng cuộn, Hổ ngồi thì cũng là có rất nhiều thuận lợi; con người thì chịu thương, chịu khó, vốn là dân nghèo mà, mà nghèo thì rất cách mạng, dân thì chịu khó, truyền thống thì oanh liệt, vẻ vang, đọc lại lịch sử tỉnh Thanh Hoá xem, bao nhiêu anh hùng hào kiệt"- Tổng Bí thư nói.
Ngày 5/8/2020, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 58 "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là dấu mốc lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra cho Thanh Hóa thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Trên cơ sở Nghị quyết 58, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Ngày 13/11/2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”. Để hiện thực hoá ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, trên tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã đoàn kết một lòng, tập trung trí tuệ, sức mạnh nội sinh, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ bên ngoài, từng bước đưa Thanh Hoá vươn lên trở thành tỉnh trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng GRDP, tiến tới cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Từ khóa: Tổng Bí thư, Thanh Hóa, từ trần, Tổng Bí thư, quan tâm, Hải Phòng
Thể loại: Nội chính
Tác giả: sỹ đức/vov1
Nguồn tin: VOVVN