Tôn vinh, lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh trong cộng đồng quốc tế

Cập nhật: 25/02/2020

VOV.VN - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất, ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại.

Sáng 25/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”.

chu tich ho chi minh ghi dau an trong qua trinh phat trien nhan loai hinh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9... cũng như hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng chia sẻ, năm 1987, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Nghị quyết khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”; ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại; kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.

Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, việc UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn lao, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

“Việc UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như nhiều hình thức tôn vinh, công nhận rộng rãi khác của cộng đồng quốc tế đối với công lao, đóng góp của Bác mang lại sự tự hào to lớn đối với Đảng và nhân dân ta.Đồng thời đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ rất lớn là làm sao để cho giá trị về tư tưởng, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn, không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

chu tich ho chi minh ghi dau an trong qua trinh phat trien nhan loai hinh 2
Các đại biểu theo dõi một bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp phát huy điểm tương đồng giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác từ các giá trị, lý tưởng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi, giúp Việt Nam và các đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phấn đấu vì mục tiêu và lợi ích chung, củng cố lòng tin và tình hữu nghị, từ đó góp phần đưa quan hệ ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay và trong những năm tới, khi tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp với nhiều tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đan xen, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thì những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.

Hoạt động này còn mang ý nghĩa để các thế hệ người Việt Nam cả trong và ngoài nước củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng đất nước Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như ước nguyện của Bác; vừa để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh Việt Nam với lịch sử hào hùng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình./.

Đến nay, 22 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh, châu Phi đã có 29 công trình tượng, tượng đài Bác, là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Bác Hồ và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế.

Bộ Ngoại giao cũng đã xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm, bảo tàng… tại những nơi Người đã từng sống và hoạt động. Tính đến nay, có 11 khu tưởng niệm mang tên Bác ở nước ngoài, trong đó có 8 công trình ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, 3 công trình tại Pháp, Nga, Đức.Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ nguồn kinh phí của sở tại, điển hình ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào…

Các cơ quan đại diện cũng đã đặt bia, gắn biển đồng tại Singapore, Anh, Slovakia, Ấn Độ và Pháp… nhằm lưu lại những địa danh mà Bác Hồ đã sống, học tập, làm việc hoặc từng đi qua. Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bác đã từng đi tới 56 quốc gia trên thế giới.

Việc đặt tên trường học, lớp học mang tên "Hồ Chí Minh" cũng được thực hiện tại một số quốc gia như Nga, Ukraine, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico và Cuba. Hiện có 20 con đường, đại lộ mang tên Bác. Điều đặc biệt là mặc dù thời gian Bác tới thăm và lưu lại không lâu tại một số nước Bắc Phi nhưng đã để lại trong lòng người dân nơi đây sự ngưỡng mộ.

Công tác xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được quan tâm, trong đó có gần 40 cuốn sách của tác giả nước ngoài giới thiệu về tiểu sử Bác, bản Di chúc và sự nghiệp của Bác.

Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập