Tổn thất to lớn về sinh mạng và kinh tế của xung đột Nga - Ukraine sau 1000 ngày
Cập nhật: 2 ngày trước
VOV.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine khốc liệt đã bước vào ngày thứ 1.000 vào hôm 19/11/2024. Cuộc đối đầu quân sự lớn nhất châu Âu sau Thế chiến II này chứng kiến sự tổn thất hàng chục ngàn sinh mạng và sự tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD, với những tổn thương khó đong đếm cho kinh tế, xã hội những nước tham chiến…
Ngày 24/2/2022, Tổng thống Putin phát biểu với toàn thể Liên bang Nga, công bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, khởi đầu một cuộc xung đột vũ trang tàn khốc kéo dài - vừa tròn 1.000 ngày vào rạng sáng 20/11/2024.
Cuộc chiến đẫm máu này đã để lại nhiều vết sẹo về nhân lực và kinh tế cho cả hai bên tham chiến. Mức độ tàn phá là chưa từng có tiền lệ - nhiều thành phố, thị trấn và làng mạc tan hoang, số người tử vong liên tục tăng. Giới chuyên gia dự báo các nước Nga và Ukraine sẽ phải mất nhiều năm nữa mới hồi phục được sau những thiệt hại về tài chính. Đấy là chưa kể những tổn thương tinh thần và tâm lý mà người dân hai nước phải hứng chịu khi cuộc xung đột vũ trang này chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc.
Liên Hợp Quốc ước tính, ít nhất 11.743 người tử vong và hơn 24.600 người khác bị thương trong xung đột Nga - Ukraine tính đến tháng 8/2024.
Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức khác tin rằng số người tử vong còn cao hơn thế nhiều. Tờ Nhật báo Phố Wall trong một bài viết hồi tháng 9/2024 cho rằng tổng số người thương vong trong cuộc xung đột này ngấp nghé một triệu người. Theo tờ báo này và ước tính của giới tình báo phương Tây, tổng số quân nhân tử trận của Nga và Ukraine là 280.000 người.
Hồi tháng 2/2024, đích thân Tổng thống Ukraine Zelensky đã xác nhận có hàng vạn binh sĩ Ukraine tử trận cho tới thời điểm đó.
Nhưng thương vong không phải là hậu quả duy nhất. Khi cán mốc 1.000 ngày, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 10 triệu người Ukraine đã phải thay đổi chỗ ở, trong đó 6,7 triệu người đi tị nạn ở các nước châu Âu khác.
Phó Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Kelly T Clements, vào đầu tháng 11 này đã nhấn mạnh tác động của xung đột Ukraine khi nói rằng “vô số trẻ em tiếp tục học trực tuyến, đánh mất cơ hội tương tác xã hội và trải nghiệm trong phòng học”.
Xung đột Nga - Ukraine cũng làm giảm tỷ lệ sinh. Liên Hợp Quốc ước tính dân số Ukraine đã giảm tới 10 triệu (chiếm 1/4) kể từ khi xung đột này nổ ra.
Cả Nga và Ukraine đều bị tổn thất nặng nề về kinh tế sau 1.000 ngày xung đột. Theo một ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) vào cuối năm 2023, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng là 152 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Thế giới và chính phủ Ukraine ước tính tổng chi phí tái thiết là 486 tỷ USD - con số này cao gấp 2,8 lần GDP (tổng sản phẩm nội địa) danh nghĩa của Ukraine theo dữ liệu bộ kinh tế của nước này.
Trong khi đó, Roksolana Pidlasa - người đứng đầu Ủy ban ngân sách của quốc hội Ukraine, cho biết, Kiev mất hơn 140 triệu USD cho mỗi ngày xung đột với Nga.
Nga cũng phải chịu gánh nặng tài chính lớn để duy trì cuộc xung đột này. Đài NHK (Nhật Bản) dẫn một ước tính gần đây của Lầu Năm Góc cho rằng Moscow đã phải chi ra tới 211 tỷ USD cho việc trang bị vũ khí, triển khai quân và duy trì hoạt động tác chiến tại Ukraine.
Bên cạnh đó, tới 70% tài sản ngân hàng của Nga cùng hơn 21,6 tỷ USD tài sản của hơn 15.000 người và thực thể Nga đã bị phương Tây phong tỏa, trừng phạt, theo một báo cáo của Hội đồng châu Âu công bố vào tháng 5 vừa qua. Các lệnh trừng phạt đã dẫn tới sự sụt giảm xuất khẩu của Nga. Vào năm ngoái (2023), xuất khẩu của Nga giảm 28.3% từ mức 588,3 tỷ USD xuống còn 425,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của nước này sang châu Âu giảm mạnh 68% xuống còn 83,9 tỷ USD.
Tác động kinh tế không dừng lại ở 2 nước tham chiến. Xung đột Nga - Ukraine đã đẩy cao giá thực phẩm toàn cầu, làm tăng tỷ lệ thiếu đói ở nhiều nơi trên thế giới. Ukraine - ổ bánh mì của châu Âu, đã bị sụt giảm đáng kể sản lượng ngũ cốc, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo toàn cầu.
Bản đồ thế giới đã bị vẽ lại trên thực tế. Ngày nay, Nga chiếm và tuyên bố sáp nhập 1/5 diện tích nước Ukraine (khu vực này tương đương diện tích Hy Lạp).
Trẻ em tại các thành phố tiền tuyến của Ukraine phải dành từ 3.000-5.000 giờ (tương đương với 4-7 tháng) trú ấn trong hầm kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang Nga - Ukraine. Nhiều em phải học trực tuyến.
Tiếng còi báo động phòng không cùng những tiếng nổ lớn thường xuyên cũng ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em. Một cuộc thăm dò của UNICEF cho thấy, một nửa số học sinh độ tuổi từ 13-15 ở vùng chiến sự bị chứng rối loạn giấc ngủ.
Xem thêm:
>> Bất ngờ về bằng chứng ông Trump sẽ không bỏ rơi Ukraine
>> Nga quyết dập tắt lá bài mặc cả của Ukraine tại Kursk, không đóng băng xung đột
>> Nga tập kích dữ dội Kiev, đe dọa tấn công Đông Bắc khi Ukraine sa lầy tại Kursk
Từ khóa: ukraine, tổn thất, xung đột nga ukraine, tổn thất do xung đột, chiến tranh nga ukraine, xung đột ukraine nga, tròn 1000 ngày, xung đột kéo dài, thương vong do xung đột, tổn thất kinh tế do xung đột, tổn thương tinh thần, sang chấn tâm lý, thiệt hại của nga, thiệt hại của ukraine, chết chóc chiến tranh, tử trận, bị thương
Thể loại: Pháp luật
Tác giả: trung hiếu/vov.vn biên dịch
Nguồn tin: VOVVN