Tôi muốn ly dị vì nhận ra con người thật của chồng trong mùa dịch
Cập nhật: 27/03/2020
VOV.VN -Sau này cuộc sống còn nhiều điều khó khăn, liệu tôi có thể trông đợi vào người chồng không chịu trưởng thành, ích kỷ và vô tâm như anh?
Tôi năm nay 28 tuổi, đã lập gia đình được 5 năm và có một bé gái 4 tuổi. Trước đây, tôi làm việc cho một công ty chứng khoán nhưng sau khi có bé, tôi quyết định nghỉ việc, mở cửa hàng bán mỹ phẩm Hàn Quốc cho học sinh, sinh viên. Năng động, nhanh nhẹn, có kiến thức về quản trị kinh doanh lại bán giá hợp lý nên cửa hàng của tôi lúc nào cũng đông khách. Thừa thắng xông lên, tôi tiếp tục mở thêm cửa hàng thứ 2 và còn dự định, trong năm nay sẽ xây dựng thương hiệu mỹ phẩm riêng. Chồng hơn tôi 2 tuổi, đi du học về, đang làm cho một doanh nghiệp start-up về phần mềm với mức lương khá tốt.
Ông bà nội ngoại hai bên đều ở quê, tuổi đã cao và mắc bệnh mãn tính nên chúng tôi cũng xác định tự lực cánh sinh. Chồng tôi là con một, từ bé không phải động tay động chân vào việc nhà còn tôi cũng không quá đảm đang. Song cuộc sống khá êm ả bởi chúng tôi may mắn thuê được một bác giúp việc rất yêu trẻ con, cẩn thận, kỹ tính. Hàng ngày, tôi và chồng chỉ việc phân công nhau đưa đón con đi học, đi chợ, còn mọi việc cho con ăn uống, nhà cửa đều có bác giúp việc lo lắng hết.
Ảnh minh hoạ. |
Đùng một cái, dịch bệnh ào đến Hà Nội, cuộc sống của chúng tôi đảo lộn đến chóng mặt. Đầu tiên là công ty của chồng tôi vì là start-up nên có gắng gượng đến mấy cũng bị ảnh hưởng. Chồng tôi còn may mắn chán vì không phải nghỉ việc, nhưng anh chỉ còn lương cơ bản và chuyển sang làm việc ở nhà. Việc kinh doanh của tôi còn tệ hơn, học sinh, sinh viên nghỉ hết nên tôi chuyển sang bán online. Hàng xách tay nhập về cũng khó khăn bởi các chuyến bay Hàn Quốc-Việt Nam bị huỷ hết.
Nhưng điều khủng khiếp nhất là bác giúp việc xin nghỉ, về quê lánh dịch. Tôi đã thuyết phục bác bằng mọi nhẽ, bác không phải đi ra ngoài, chỉ việc ở nhà, trông trẻ con và nấu cơm nhưng bác vẫn không đồng ý. Bác bảo có tiền sử cao huyết áp, nhỡ đâu tôi bị dính virus thì bác cũng không biết sống chết thế nào.
Và thế là hai vợ chồng tôi phải cùng ở nhà. Trước đây, cả hai đều bận rộn kiếm tiền, tối về mới giáp mặt nên lúc nào cũng thấy yêu, thấy nhớ nhau. Thậm chí, cuối tuần chúng tôi vẫn nhờ bác giúp việc chăm con để “đánh lẻ” đi khám phá quán sá. Còn bây giờ, hai vợ chồng mở mắt ra là chạm mặt nhau 24/24 giờ, mọi tính cách xấu đẹp bộc lộ ra hết. Những tưởng chồng sẽ hiểu cho hoàn cảnh khó khăn mà chia sẻ với vợ nhưng chồng quen tính con một, được chiều chuộng nên anh vẫn điềm nhiên như không. Tôi bảo anh đi siêu thị mua đồ dùng cho cả tuần, anh lấy lý do không biết chọn, rồi không quen xếp hàng, chờ đợi… Tôi nhờ anh chăm con thì anh ôm lấy cái máy tính cả ngày, cũng không buồn dạy con học. Bảo anh giặt quần áo thì anh làm qua loa, anh nhét cả áo trắng và áo màu vào máy giặt rồi bấm nút. Đấy là những công việc tôi nói mãi anh mới miễn cưỡng làm. Kể mà anh dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi, kiếm thêm việc đã đành, đằng này anh toàn dành thời gian vào những cuộc tranh luận vô bổ trên mạng, rồi lướt net, facebook…
Từ một người phụ nữ năng động, xinh xắn, sành điệu, chỉ có một thời gian ngắn mà tôi không nhận ra chính mình. Đầu tóc lúc nào cũng bú rù, còn không có thời gian gội đầu, tôi phải vừa chăm con, vừa làm việc nhà nên lúc nào cũng cáu gắt. vốn dĩ cũng không đảm đang cho lắm nên phải cố gắng đến 200% sức lực, tuy nhiên chồng không hề thông cảm và chia sẻ.
Tôi trách chồng sống ích kỷ, vô tâm, chỉ biết đến bản thân. Còn anh lấy lý do nhiều người phụ nữ khác thậm chí có 2 con nhưng họ vẫn vun vén gia đình tốt, còn tôi có chăm một đứa và làm việc nhà cũng ầm ĩ. Chuyện vợ chồng cũng vì thế mà nhạt nhẽo dần. Mệt mỏi, thất vọng nên tôi không còn hứng thú và không có nhu cầu với chồng.
Chúng tôi thường xuyên to tiếng, không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng. Thậm chí, lúc tiêu cực nhất tôi đã nghĩ đến ly hôn nhưng nói ly hôn chỉ vì con virus thì sợ mọi người chê cười. Song trong thâm tâm, tôi nhận ra chồng không phải là bờ vai vững chãi để mình dựa. “Rằng qua cơn hoạn nạn mới tận hiểu lòng nhau”, lần đầu tiên, tôi nhận ra mặc dù yêu anh 2 năm, làm vợ anh 5 năm nhưng tôi chưa hiểu hết về chồng. Sau này cuộc sống còn nhiều điều khó khăn, liệu tôi có thể trông đợi vào người chồng không chịu trưởng thành, ích kỷ và vô tâm như anh?./.
Từ khóa: chồng ích kỷ, chồng vô tâm, chồng ích kỷ vô tâm, tôi phải làm gì khi chồng ích kỷ, ly dị
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN