"Tôi chỉ mong ngày thi nhanh kết thúc, nhìn các con học khổ quá!"
Cập nhật: 25/09/2019
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - “Tôi chỉ mong nhanh hết ngày thi, điểm cao hay thấp, làm bài có tốt hay không cũng không quan trọng nữa. Nhìn các con học khổ quá"!
Hà Nội những ngày này nắng nóng cao điểm, nhưng có lẽ vẫn chưa bằng sức nóng của kỳ thi THPT quốc gia.
Hình ảnh phụ huynh vạ vật bên đợi con thi THPT quốc gia 2019. |
Thời gian làm bài thi Khoa học tự nhiên là hơn 3h đồng hồ, thế nhưng trong suốt khoảng thời gian ấy, chị Nguyễn Thanh Hiền (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) luôn thường trực, nhấp nhổm không yên phía ngoài điểm thi THPT Phan Huy Chú ( Đống Đa, Hà Nội) - nơi con trai chị đang “cân não” để vượt qua bài thi sau 12 năm học phổ thông.
Bất chấp nắng nóng, nhiều phụ huynh vẫn dõi theo con sau cánh cổng trường thi. |
Nhà cách trường thi chỉ khoảng 3km, nhưng chị Hiền cho biết, mỗi buổi thi, chị đều đưa con đi từ 6h sáng, sớm hơn 1 tiếng đồng hồ để tránh nắng và con có thời gian chuẩn bị tốt hơn.
“Sáng nay, 5 rưỡi, tôi gọi con dậy để ăn uống, chuẩn bị đi thi, nó lại bảo, mẹ cho con ngủ cố thêm 5 phút. Nếu là ngày thường chắc sẽ la mắng, gọi dậy bằng được, nhưng nhìn thấy con ngày này chỉ thấy thương quá. Tối hôm trước, thi xong môn Toán, 7h tối, ăn cơm xong, con liền tự đi xe tới lớp học gia sư cùng bạn tận bên Long Biên đến 12h đêm mới về. Mẹ sốt ruột đi bộ hơn 2 cây số để ngóng con. Về đến nhà, lên giường ngủ 1 lúc, chẳng biết còn chỗ nào chưa chắc chắn, lại thấy bật dậy mở sách xem lại rồi lên giường ngủ tiếp”, chị Hiền kể.
Tâm sự về những ngày đồng hành cùng con trong thử thách “vượt vũ môn”, chị Hiền cho biết, con trai chị có nguyện vọng đăng ký vào khoa Marketing, ĐH Kinh tế quốc dân. Những năm lớp 10, lớp 11, cường độ học tập không có gì căng thẳng. Nhưng đến năm lớp 12, đặc biệt từ kỳ 2, việc học áp lực kinh khủng.
“Dù bố mẹ có động viên con là không cần quá căng thẳng. Với cơ chế thi cử hiện nay, nếu không đỗ trường này, thì đỗ trường khác, không cần phải sống chết để vào đại học như những năm trước kia. Thế nhưng thực tế bản thân các con cũng nhìn bạn bè xung quanh, thầy cô để cố gắng và tự tạo áp lực cho bản thân. Những trường top trên, vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt, dù chính sách thi cử có thay đổi. Kết quả kỳ thì này con có đỗ được vào trường NV1 hay không không quan trọng nữa, tôi chỉ mong kỳ thi nhanh kết thúc, để các con đỡ vất vả. Nỗ lực đến thế là được rồi”, chị Hiền tâm sự.
Áp lực không từ ai cả... bởi chính em
Thực tế, dù được hứa hẹn sẽ nhẹ nhàng, nhưng kỳ vọng vào thành quả từ những nỗ lực của chính bản thân đang là áp lực không nhỏ với không ít thí sinh.
“Đi thi về, em vẫn học bình thường đến 12h đêm. Không phải chưa học kỹ, nhưng cảm giác trước ngày thi vẫn sợ thiếu cái gì đó. Chợt thấy khúc mắc ở phần nào, lại phải bỏ ra để xem lại. Em lo nhất môn Văn, vì môn này em làm chưa thực sự tốt, mà em lại có nguyện vọng xét tuyển khối D vào ĐH Ngoại thương. Hơn nữa, năm trước những gian lận thi cử lớn như vậy, chắc năm nay thầy cô sẽ chấm gắt hơn... Nếu lỡ trượt NV 1 thì vẫn có những nguyện vọng sau, nhưng như thế sẽ rất buồn vì không chạm được đến ngôi trường em mơ ước”, Hoàng Hải (THPT Chu Văn An) chia sẻ.
Hà My (Hải Dương) cũng cho biết, trước khi kỳ thi diễn ra 3 ngày, ngày nào em cũng đi từ nhà ở huyện Nam Sách sang tận TP Hải Dương để học ôn trong các lò luyện thi trên đường Nguyễn Thị Duệ với quãng đường gần 10 km. Lịch học dày đặc mỗi ngày đều từ 7h sáng đến 9h tối, sau đó là thời gian tự học. Kết thúc lớp 12, cân nặng của My chỉ còn hơn 35kg, nên mọi người vẫn hay gọi vui em là My còi. Nhưng với cô gái 18 tuổi ấy, điều quan trọng nhất với em lúc này không phải vóc dáng, ngoại hình, sức khỏe, mà là kết quả của kỳ thi này.
“Lớp em rất nhiều bạn giỏi, mọi người đều nỗ lực để vào được những trường đại học như Y, Dược, Bách khoa. Gia đình em, cả bố mẹ đều là giáo viên, anh trai em cũng học rất giỏi, nên em thấy nếu mình dốt thì sẽ rất kỳ. Bước vào kỳ thi này, bố mẹ chỉ động viên, không hề gây áp lực. Mỗi buổi thi xong, mẹ đợi em ngoài cổng trường, câu đầu tiên mẹ nói là nắng quá, về nhà đi con, chứ không phải con có làm được bài thi không. Em cảm thấy rất vui vì bố mẹ em tâm lý và không gây áp lực, điều đó khiến em thoải mái hơn rất nhiều. Nhưng đôi khi em cũng nghĩ rằng, nếu không đạt được thành tích tốt, có lẽ em đã có lỗi với bố mẹ và cả sự kỳ vọng của cô chủ nhiệm”, My tâm sự./.
Từ khóa: Thi THPT quốc gia, phụ huynh, học đến 12h đêm, ôn thi, thi Khoa học xã hội,
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN