Toàn xã hội chăm lo thực hiện tri ân người có công
Cập nhật: 27/07/2022
(VOV5) - Cả nước tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm 2022, tròn 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ, ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Một loạt hoạt động tri ân, tưởng niệm diễn ra trên khắp các địa phương những ngày này, với sự tham dự của các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Chăm sóc các thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh minh họa: Phú Sơn |
Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, hơn 1 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do.
Chính sách cho người có công ngày càng hoàn thiện
Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947"Quy định chế độ hưu bổng,thương tật và tiền tuất tử sĩ"đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về công tác thương binh, liệt sĩ được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hiện tại, các chính sách được thực hiện thống nhất trong cả nước. Điều này góp phần tạo ra sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người có công.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh:qdnd.vn |
Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nướctrong từng thời kỳ. Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công, bao gồm các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ,...được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khoẻ, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm…
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh:qdnd.vn |
Công tác quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công ngày càng được chú trọng. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Đánh giá về chính sách đối với người có công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:75 năm qua, chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn của Nhà nước và cộng đồng thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: nhà tình nghĩa; quỹ đền ơn đáp nghĩa; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng…Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn chính trị xã hội; công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc.
Đồng lòng chăm sóc người có công
Trong các bài phát biểu tại các buổi mit tinh, gặp mặt người có công nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người dân. Trong thời gian tới, cả nước tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ:Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đúng, đủ, kịp thời, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công còn khó khăn trong cuộc sống; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thân nhân gia đình người có công, thường xuyên quan tâm chăm sóc y tế, đảm bảo sức khỏe cho người có công và gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ. Tiếp tục đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong xã hội.
Tại Việt Nam, Ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Việc cộng đồng chung tay chăm sóc người có công và gia đình họ thể hiện sự trân trọng của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, ngày thương binh liệt sĩ, tri ân, người có công, đền ơn đáp nghĩa
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5