Toan tính thực sự đằng sau Hiệp ước Phòng vệ chung Mỹ-Israel
Cập nhật: 25/09/2019
Luxury cruise ship brings 4,400 international visitors to Hue in early 2025
Trương Ngọc Ánh trở lại với phim ảnh qua dự án hợp tác quốc tế
VOV.VN - Nhằm đưa mối quan hệ đồng minh lên một tầm cao mới, Mỹ và Israel đang thảo luận về khả năng ký một hiệp ước phòng thủ chung giữa hai quốc gia.
Manh nha Hiệp ước Phòng vệ Tập thể Mỹ-Israel…
Tổng thống Mỹ Trump vừa cho biết đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu thảo luận về khả năng tiến tới một Hiệp ước Phòng thủ chunggiữa Mỹ và Israel, và mong muốn tiếp tục thảo luận vào cuối tháng này bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Nhanh chóng hồi đáp tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, Thủ tướng Israel ca ngợi quan hệ đồng minh Mỹ-Israel, đồng thời cho biết Israel “chưa bao giờ có một người bạn tại Nhà Trắng tốt hơn thế”, và mong chờ các cuộc gặp tại Liên Hợp Quốc để “tiến đến một hiệp ước quốc phòng lịch sử giữa Mỹ và Israel”.
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Reuters |
Israel là một trong những đồng minh đầu tiên và quan trọng không là thành viên của NATO với đầy đủ các loại ích như các gói vay lớn lãi suất thấp, ưu tiên phân phối các thiết bị quân sự, sở hữu kho vũ khí dự trữ của Lầu Năm Góc bên ngoài các căn cứ quân sự của Mỹ và nhiều lợi thế khác. Năm 2014, Mỹ đã đưa Israel lên một mức mới - đối tác chiến lược chính - “danh xưng” đặc biệt được áp dụng cho Israel, giúp mở rộng kho chứa vũ khí của Mỹ tại Israel từ tổng giá trị 200 triệu lên 1,8 tỉ USD vào năm 2017. Mỹ viện trợ quân sự cho Israel hơn 3 tỉ USD/năm, tuy nhiên, cho đến nay, hai quốc gia vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận quân sự toàn diện nào.
Theo tạp chí Time, nhiều quan chức Israel đã thúc đẩy ý tưởng củng cố mối quan hệ của ông Netanyahu và chính quyền Trump bằng cách thúc đẩy một hiệp ước quốc phòng mới với Washington, trong đó tập trung vào việc đảm bảo hỗ trợ trong bất kỳ xung đột nào với Iran. Trump không cung cấp thêm chi tiết, nhưng một hiệp ước phòng thủ chung có thể buộc Mỹ phải giúp Israel tự vệ nếu nước này bị tấn công. Hôm 12/9, Ngoại trưởng Israel cho hay một thỏa thuận nên áp dụng vào "các vấn đề đã được xác định - nguy cơ hạt nhân và tên lửa tầm xa mà Iran nhằm vào Israel".
Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng hiệp ước này có thể "trói tay" Israel và phủ nhận sự tự chủ quân sự của nước này. Ý tưởng về một hiệp ước phòng thủ chung chính thức giữa Mỹ và Israel từng được thảo luận nhưng đã bị đánh giá là "không cần thiết". Theo Michael Maloof - cựu quan chức Lầu Năm Góc - việc hai quốc gia hướng tới một hiệp ước phòng thủ chung không phải là một bước tiến quá đáng kể, vì những thỏa thuận hiện giờ cũng đã đủ buộc Washington có nghĩ vụ bảo vệ Tel Aviv trong trường hợp chiến sự xảy ra.
Bên cạnh NATO và Hiệp ước Rio với các nước Mỹ Latin, Mỹ từng ký kết các hiệp ước thường trực như trên với Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines, và lần gần đây nhất với Nhật Bản vào năm 1960; từ đó đến nay, Mỹ thường chọn cách kéo các quốc gia vào NATO thay vì thành lập các thỏa thuận phòng thủ song phương. Nếu thỏa thuận giữa hai nước được ký kết, đây sẽ là hiệp ước phòng thủ chung đầu tiên đối với Washington trong nhiều thập kỷ.
Maloof nhận định, thoả thuận này có thể làm gia tăng khả năng Mỹ bị lừa tham gia vào một cuộc xung đột không mong muốn, ngay cả khi Israel chủ động quyết định tấn công, ví dụ Iran, thì Mỹ cũng sẽ phải yểm trợ Israel nếu quốc gia này bị tấn công. Quyết định tuyên bố về hiệp ước phòng thủ chung của Trump chỉ vài ngày trước khi diễn ra bầu cử Israel không phải là một sự trùng hợp, rõ ràng thể hiện nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách“nhắn nhủ”thông điệp muốn Thủ tướng Netanyahu tái đắc cử. Trump cũng từng hành động ủng hộ vị thế của Netanyahu trong cuộc bầu cử bằng công nhận yêu sách chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan trước cuộc bầu cử hồi đầu năm nay.
… hay thủ thuật mới trước thềm bầu cử?
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Kênh 12 của Israel ngày 14/9, Netanyahu đã đưa ra lời kêu gọi trực tiếp tới các cử tri dựa trên hiệp ước này: “Tôi sẽ mang đến cho chúng ta một hiệp ước quốc phòng cung cấp sự an toàn trong nhiều thế kỷ nhưng vì điều đó tôi cần phiếu bầu của bạn”.
Nhiều cuộc thăm dò ý kiến đưa ra dự đoán về một cuộc đua sít sao, diễn ra gần 5 tháng sau cuộc bầu cử chưa có hồi kết mà trong đó ông Netanyahu tuyên bố mình là người chiến thắng nhưng không thành lập một chính phủ liên minh. Đảng Likud của Netanyahu đang chạy đua với đảng Xanh Trắng của cựu lãnh đạo lực lượng vũ trang Benny Gantz - người đã tập trung nhiều vào các vụ cáo buộc tham nhũng mà Netanyahu phải đối mặt. Sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ có ích, vì khả năng chiến thắng của Netanyahu trong cuộc bầu cử được đánh giá là không cao.
Việc Thủ tướng Israel Netanyahu tái cử mang lại nhiều lợi thế cho Trump vì ông này nằm trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới duy trì mối quan hệ hữu hảo và thân tình với Tổng thống Trump, là đồng minh giúp Mỹ duy trì sự hiện diện về quân sự và ảnh hưởng về chính trị ở Trung Đông, đặc biệt trong việc đối phó với Iran. Trong trường hợp ngược lại, rất có thể Mỹ sẽ gặp nhiều trắc trở trong việc triển khai kế hoạch hòa bình Trung Đông đầy tham vọng sắp được công bố. Việc thể hiện mối quan tâm đến an ninh Israel còn giúp Trump giành được sự ủng hộ của các cử tri Mỹ gốc Do Thái trong cuộc tái chạy đua vào Nhà Trắng năm sau.
Cuộc bầu cử sắp tới sẽ quyết định vận mệnh chính trị của Thủ tướng Netanyahu vì sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, dù giành chiến thắng nhưng ông không thể thành lập được chính phủ mới và buộc phải giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử lại. Nếu Đảng Likud thua trong cuộc bầu cử lần này, Netanyahu sẽ phải rời khỏi chính trường – điều không chỉ là một thất bại chính trị mà còn có nguy cơ khiến ông phải đối mặt với các vụ kiện vì những cáo buộc gian dối và nhận hối lộ. Đương kim Thủ tướng Israel, vì vậy, đang tung mọi “lá bài”, kể cả tuyên bố sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan vào lãnh thổ Israel nếu tái đắc cử, nhằm giành lợi thế.
Phần đông giới bảo thủ và cực hữu ở Irael mong chờ Hiệp ước phòng vệ chung, giúp củng cố lợi ích của quốc gia Do Thái ở Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh Iran nhiều lần đánh tiếng sẽ trở lại việc nghiên cứu và phát triển hạt nhân. Một khi hiệp ước được ký kết, Israel sẽ nhận được sự bảo vệ an ninh một cách tối đa - điều chỉ xảy ra một khi Netanyahu tái cử.
Theo giới quan sát, việc phôi thai Hiệp ước Phòng thủ tập thể với Israel đang làm dậy sóng và phản ứng trái chiều trong chính giới Arab - khu vực vốn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn không thể dung hòa, đẩy nguy cơ xung đột giữa các phe phái và các nước trung Đông lên một mức mới. Không chỉ đơn thuần là thăm dò dư luận, tuyên bố của đương kim Tổng thống Mỹ đang bắn một mũi tên nhắm nhiều đích, vừa ngầm ủng hộ Netanyahu chiến thắng cuộc bầu cử mang tính lịch sử tới đây, vừa dọn đường cho việc tái cử của mình trong chiến dịch bầu cử ở nước Mỹ năm 2020./.
Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Israel tạo lợi thế gì cho ông Netanyahu?
Từ khóa: Hiệp ước Phòng vệ Mỹ-Israel, quan hệ Mỹ-Israel, Trump, Netanyahu, bầu cử Israel
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN