cổng thông tin điện tử ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
Kinh tế
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh
Cập nhật: 17/04/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Sáng 17/4, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu, lãnh đạo các bộ ban ngành, tập đoàn, doanh nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững... Phát biểu tại Diễn đàn, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: "Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường tăng trưởng xanh, cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới. Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn". TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh điều phối chương trình thảo luận tại Diễn đàn. Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận về "kinh tế số song hành kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức". PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tham luận về nội dung "Thúc đẩy tiến trình Phát triển kinh tế xanh: Thực trạng và giải pháp". Ông Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN tham luận về "Đổi mới công nghệ: Then chốt quan trọng trong phát triển kinh tế xanh". ThS.CVCC. Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chia sẻ về nội dung "Hành lang pháp lý để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển xanh". Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chia sẻ về nội dung "Cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam" Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực CNTT, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp. Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế: hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ. Tăng cường kết nối, liên kết thông qua thúc đẩy liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp; Xây dựng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách thông qua hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho đổi mới công nghệ; Xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và an ninh mạng... "Đặc biệt cần coi kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, ươm mầm ý tưởng sáng tạo", một chuyên gia nhận định. Các đại biểu mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ và lãnh đạo các bộ ban ngành, địa phương tiếp tục nắm bắt, lắng nghe để sớm có những điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Diễn đàn được tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).
Từ khóa: Diễn đàn, Diễn đàn, doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế xanh,kinh tế số
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: văn ngân, nguyễn trang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN
Nội dung (*)
bài liên quan
tin mới nhất
tin đọc nhiều nhất
Giấy phép hoạt động số:385/GP - BVHTT cấp ngày 24/12/2003 CopyRight © 2018 R&D Chính sách bảo mật riêng tư