Tòa xử bất hợp lý, nguy cơ khiếu kiện kéo dài
Cập nhật: 22/10/2019
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
Phát triển bền vững thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (26/11/2024)
VOV.VN - Phán quyết của tòa án sơ thẩm đầu tháng 10/2019 chưa toàn diện, khiến quyền lợi nguyên đơn bị ảnh hưởng, đặc biệt dẫn tới nguy cơ khiếu kiện kéo dài.
Uất ức! Đó là cảm giác kéo dài gần 20 năm nay của lão nông Trần Hữu Sỹ (hiện 78 tuổi), vì bao công sức cải tạo một khu rừng ngập nước thành một hồ du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản, bỗng trắng tay.
Ông Trần Hữu Sỹ. |
Theo rất nhiều nhân chứng cùng tham gia cải tạo hồ thì thời điểm đó, ông Sỹ phải bỏ tiền của ra thuê người, thuê máy ủi… về vét, dọn và đắp đập ngăn hồ thành 3 ngăn do yêu cầu của lâm trường là luôn phải giữ nước để phòng chống cháy cho lâm trường. Ngày làm, đêm cũng đốt lửa lên làm, nên phải mất 4 năm thì mới hình thành nên một hồ nước rộng 27 ha như ngày nay.
Thế nhưng, thả cá chưa được thu hoạch, hợp đồng mới gần 3 năm, thì Lâm trường Mã Đà đã mời ông lên làm việc để nâng giá thuê hồ (ông Sỹ đang thuê 5 triệu/năm). Khi ông Sỹ không đồng ý thì lâm trường đã yêu cầu không cho thả thêm cá, đợi đúng 5 năm như hợp đồng thỏa thuận để thanh lý. Sau khi thanh lý, thì Lâm trường Mã Đà ký hợp đồng với Trường Nghiệp vụ Công an TPHCM thuê với giá 75 triệu đồng/năm. Tức là gấp 15 lần.
Vậy là, với tâm huyết biến vùng rừng ngập nước thành hồ nuôi cá, ông ký hợp đồng với Lâm trường Mã Đà 20 năm, nhưng khi tốn công của cải tạo thành hồ, mới thả cá chưa được thu thì bị buộc phải thanh lý hợp đồng. Bởi vậy nên, gần 20 năm nay, người nông dân này quyết tâm theo đuổi vụ án để đòi công lý được thực thi.
Ông Trần Lương. |
Tòa án Tối cao năm 2010 cũng có quyết định xem xét kháng nghị của VKS Tối cao về đơn của ông Sỹ nhằm đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn. Trải qua 5 phiên tòa, mới đây TAND huyện Vĩnh Cửu tuyên Lâm trường Mã Đà (nay là Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai) phải hoàn trả 1,23 tỷ đã bỏ ra để cải tạo hồ, không tính khoản tiền lãi gần 20 năm; không phải trả số tiền cá đã đầu tư thả xuống hồ vì không có hóa đơn chứng từ.
Điều này khiến ông Sỹ bức xúc: "Tôi bỏ ra hơn 1 tỷ, giờ tòa phán xét trả lại cho tôi hơn 1 tỷ. Vậy thì chẳng lẽ tôi mất tiền thuê mặt bằng, thuê đất lại phải bỏ tiền ra cho lâm trường kinh doanh. Từ chỗ tôi thuê 5 triệu thôi mà bây giờ cho trường Nghiệp vụ Công an TPHCM thuê 75 triệu gấp 15 lần. Vậy là kiểu kinh doanh bóc lột tôi".
Theo ông Trần Lương – một hộ sản xuất cá giống ở Bàu Cá 2 (Trảng Bom, Đồng Nai) - người tư vấn nuôi cá và bán cá giống cho ông Sỹ thì việc tòa đòi hỏi hóa đơn để chứng minh là không đúng, bởi ông là hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là kinh doanh sản xuất con giống thì không phải nộp thuế, không cần hóa đơn giá trị gia tăng. Điều này cũng được Chi cục Thuế Thống Nhất trả lời ông Trần Lương bằng quyết định số 24/QĐ-CCT vào ngày 20/5/2002. Cho nên, việc giao dịch mua bán giữa ông Lương và ông Sỹ chỉ sử dụng loại “hóa đơn nội bộ”. Còn các giao dịch với cơ quan Nhà nước thì mới phải viết đơn tự nguyện nộp thuế.
Ông Trần Lương nói: "Các đơn vị công an, quân đội, các đơn vị cơ quan Nhà nước đều mua của tôi như vậy. Hiện nay vẫn còn, các đơn vị công an vẫn còn, trại cai nghiện ở Xuân Lộc vẫn lấy nhưng mà người ta yêu cầu phải có hóa đơn đỏ thì tôi viết đơn tự nguyện nộp thuế giá trị gia tăng, để cho cơ quan đó có một cái hóa đơn giá trị gia tăng để thanh toán cho Nhà nước".
Từ vùng rừng ngập nước, ông Sỹ mất 4 năm cải tạo để được một hồ đẹp, rộng 27ha. Công sức bỏ ra quá nhiều khiến ông uất ức. |
Theo luật sư Lê Thị Thúy Hằng - Văn phòng Luật sư Dragon thì, để được hoàn trả tiền cá, tòa yêu cầu cần có giấy tờ pháp lý chứng minh cho có giao dịch thực tế là có căn cứ. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của ông Sỹ, do việc mua bán giữa các cá nhân diễn ra từ những năm 1997-1998 nên việc bắt buộc có hóa đơn chứng từ là rất khó khăn. Bởi vậy, chúng ta cũng cần xem xét toàn diện, khách quan tổng thể vụ án để có nhận định chính xác và đầy đủ diễn biến vụ việc.
Nêu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết, tại điểm 1, Điều 4, Luật Thuế giá trị gia tăng do Quốc hội ban hành ngày 10/5/1997 thì hoạt động sản xuất cá giống của các hộ gia đình bán ra cho ông Trần Hữu Sỹ không phải chịu thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp. Cho nên đòi hỏi của tòa là bất hợp lý.
Hiện nay, ông Trần Hữu Sỹ đã làm đơn kháng án, bởi vậy phiên tòa phúc thẩm sắp tới, tòa án cần xem xét, đánh giá lại toàn diện các tình tiết của vụ án để nhận định và tuyên án đối với yêu cầu của nguyên đơn một cách khách quan và chính xác, hợp tình hợp lý để chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài./.
Từ khóa: khiếu kiện kéo dài, oan sai, khu rừng ngập nước
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN