Tọa đàm về Trí tuệ nhân tạo trong đời sống
Cập nhật: 01/12/2020
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
Các địa phương miền Bắc khẩn trương các biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi (29/11/2024)
Tọa đàm Trí tuệ nhân tạo vận hành như thế nào do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Sakédemy tổ chức diễn ra vào tối 2/12 tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: giáo sư Hồ Tú Bảo, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh.
Cuộc cách mạng số đã tác động sâu rộng đến tất cả các xã hội từ nhiều thập kỷ nay và xâm nhập ở quy mô toàn cầu vào từng khía cạnh đời sống hằng ngày của người dân, vào các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp và các tổ chức. Thế giới đang thay đổi với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, vậy mà đại đa số người dân không hề để ý đến điều đó. Chính những tiến bộ công nghệ là một bước ngoặt lớn về mặt xã hội với những tác động và hệ quả được cho là không lường trước được.
Việt Nam đương nhiên không nằm ngoài làn sóng này, và đang dần dần áp dụng những biện pháp trước những thay đổi lớn đang và sẽ diễn ra. Đất nước này đã có bước phát triển chưa từng có trong thập kỷ qua và đang cố gắng bằng mọi giá bắt kịp những con hổ của châu Á với công nghệ tiên tiến nhất, vì vậy trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot là không thể bỏ qua.
Gần đây chúng ta nghe nói rất nhiều về trí tuệ nhân tạo, những việc kỳ diệu trí tuệ nhân tạo đã làm và có thể làm, cả những nỗi lo âu trí tuệ nhân tạo có thể gây ra cho con người trong tương lai. Người ta hay so sánh vui rằng trí tuệ nhân tạo cũng giống như những con ma, hay như tình yêu đích thực, ai ai cũng nói về nó, nhưng lại chẳng có mấy ai được gặp nó ngoài đời. Trong vòng vài năm gần đây, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tràn ngập các mặt báo, xen giữa những phát ngôn và trong các bài phát biểu, hơn là tại các phòng thí nghiệm, trong trường học và ở các doanh nghiêp, nơi nó nên thuộc về.
Chính những điều này đã gây nên nhiều hiểu lầm không đáng có về trí tuệ nhân tạo, cũng như tạo ra những nỗi sợ mơ hồ về việc AI sau này sẽ cướp hết công ăn việc làm hay thậm chí là AI sẽ chiếm quyền điều khiển nhân loại, y như trong các phim viễn tưởng. Người ta chỉ sợ hãi những điều mà người ta thấy mơ hồ. Trên thực tế chúng ta đã và đang sống với nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo, từ đơn giản đến phức tạp, từ rất nhỏ đến siêu lớn. AI đang tham gia vào đời sống chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng, nhưng cũng không giống cách chúng ta tưởng. Vậy thật sự thì trí tuệ nhân tạo là gì, ngành khoa học này đã được hình thành và phát triển như thế nào? Trí tuệ nhân tạo có thể làm được gì và không làm được gì? Trí tuệ nhân tạo liên quan đến cuộc sống của mỗi chúng ta như thế nào? Con bạn sẽ rèn luyện trí thông minh thế nào khi trí tuệ nhân đang bước vào trường học? Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng góp gì và như thế nào cho sự phát triển của đất nước trong chương trình chuyển đổi số quốc gia trong 10 năm tới? …
Trong buổi nói chuyện này, diễn giả sẽ trả lời một cách giản dị và dễ hiểu những câu hỏi trên về trí tuệ nhân tạo thông qua những câu chuyện và ví dụ, những liên hệ với cuộc sống và công việc của mỗi người, mỗi gia đình.
Giáo sư Hồ Tú Bảo tốt nghiệp đại học ngành toán điều khiển tại Đại học Bách khoa Hà Nội (1978); thạc sĩ (1984), tiến sĩ (1987) tại Đại học Paris 6 và tiến sĩ khoa học (1998) tại Đại học Paris 9, đều về chuyên ngành trí tuệ nhân tạo. Ông làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (1979-1993) và Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST 1993-2018), và hiện nay tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM). Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và thực hiện nhiều đề tài ứng dụng trong y học, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải… Giữa tháng 11 năm nay, ông cùng hai đồng nghiệp viết và xuất bản cuốn sách Hỏi đáp về Chuyển đổi số với 200 câu hỏi và trả lời, đề cập đến những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất trong lĩnh vực thời sự này.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Tọa đàm, Trí tuệ nhân tạo, Hồ Tú Bảo
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5