Tòa án chặn sắc lệnh của ông Trump xóa quyền sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Thẩm phán Tòa án liên bang ở Seattle John Coughenour ngày 23/1 ra phán quyết hoãn thực thi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc xóa quyền sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ.
Thẩm phán Coughenour ra phán quyết trên sau khi nhận được yêu cầu từ 4 bang gồm Washington, Arizona, Illinois và Oregon nhằm ngăn chặn chính quyền thực thi sắc lệnh được ông Trump ký thông qua ngay trong ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai.
Theo sắc lệnh của ông Trump, bất kỳ trẻ em nào sinh ra tại Mỹ sau ngày 19/2 mà bố hoặc mẹ không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp sẽ không được cấp giấy chứng nhận quốc tịch, phải đối mặt với việc bị trục xuất, không được nhận số An Sinh Xã Hội cùng các phúc lợi khác.
Các bang Washington, Arizona, Illinois và Oregon lập luận rằng sắc lệnh của ông Trump đã vi phạm quyền được bảo đảm quốc tịch theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ trong đó quy định rằng bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều được mặc định coi là công dân Mỹ.
“Thành thật mà nói, tôi không thể hiểu sao một thành viên của Bộ Tư pháp có thể tuyên bố rõ ràng là sắc lệnh này hợp hiến. Đây chắc chắn là sắc lệnh vi hiến”, Thẩm phán Coughenour tuyên bố trước luật sư đại diện cho Bộ Tư pháp Brett Shumate.
Trước đó, trong phần tranh biện với Phó Tổng chưởng lý bang Washington Lane Polozola, luật sư Shumate đã tuyên bố sắc lệnh do ông Trump ban bố là hợp hiến đồng thời gọi bất kỳ phán quyết ngăn chặn nào từ tòa án đối với sắc lệnh đó đều là không phù hợp.
Song, trước khi luật sư Shumate kịp kết thúc phần tranh biện, Thẩm phán Coughenour đã ký thông qua lệnh ngăn chặn tạm thời việc thực thi sắc lệnh của ông Trump trên toàn nước Mỹ trong vòng 14 ngày để ông có thời gian xem xét liệu có nên ban hành lệnh cấm dài hạn hay không. Ông Coughenour sẽ tiếp tục nghe thêm lập luận của các bên vào ngày 6/2 tới.
Phán quyết của Thẩm phán Coughenour, được coi là đòn pháp lý đầu tiên giáng mạnh vào các chính sách cứng rắn đối với người nhập cư vào Mỹ, vốn là trọng tâm của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ 2.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ kháng cáo”, Tổng thống Trump tuyên bố sau khi nhận được phán quyết từ Thẩm phán Coughenour.
Trong khi đó, luật sư Shumate cho biết, Bộ Tư pháp dự định sẽ nộp hồ sơ kháng nghị vào tuần tới để yêu cầu thẩm phán không ban hành lệnh cấm dài hạn.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ sắc lệnh của ông Trump.
“Chúng tôi mong được trình bày toàn bộ lập luận pháp lý của mình trước tòa và trước người dân Mỹ, những người đang rất mong muốn chứng kiến luật pháp của chính quyền được thực thi”, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho hay.
Hơn 150.000 trẻ sơ sinh sẽ bị từ chối quyền công dân Mỹ hàng năm nếu sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực.
Kể từ khi ông ký ban hành, đã có ít nhất 6 vụ kiện chống lại sắc lệnh nói trên, chủ yếu đến từ các nhóm ủng hộ dân quyền và Tổng chưởng lý từ 22 bang Dân chủ.
Tổng chưởng lý các bang Dân chủ nói trên tuyên bố các quy định về quốc tịch đã được Hiến pháp Mỹ xác lập từ 127 năm trước trong Tu chính án thứ 14 sau cuộc Nội chiến Mỹ. Tại thời điểm đó, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng trẻ em sinh ra ở Mỹ có cha mẹ không phải công dân Mỹ vẫn được quyền có quốc tịch Mỹ.
Tu chính án thứ 14 mà quốc hội Mỹ phê chuẩn năm 1868 nêu rõ "tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch vào Mỹ, chịu sự quản lý của Mỹ, đều là công dân Mỹ và bang nơi họ cư trú". Chính sách này nhằm đảm bảo rằng con cái của những nô lệ được đưa tới Mỹ trái với ý muốn của họ đều được công nhận là công dân Mỹ.
Kể từ đó, quyền này đã được áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ, bất kể bố mẹ của đứa trẻ là người nhập cư bất hợp pháp hay đến Mỹ bằng thị thực du lịch hoặc du học sinh.
Từ khóa: Donald Trump, sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ,Tu chính án thứ 14, quyền công dân Mỹ
Thể loại: Thế giới
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN