Tổ hợp phòng không Nga OSA 9K33: “Sát thủ” diệt UAV trên chiến trường
Cập nhật: 11/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Trong quân đội Nga, tổ hợp tên lửa phòng không OSA 9K33 được sử dụng ở tuyến đầu nhằm bảo vệ quân đội và các thành phố của Nga trước các cuộc không kích của lực lượng vũ trang Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, phiên bản hiện đại hóa của tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn di động OSA 9K33 (tên mã NATO là SA-8 Gecko) mà quân đội Nga triển khai tại Ukraine đang phát huy hiệu quả trong việc đối phó với máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
Cận cảnh tổ hợp phòng không OSA 9K33 khai hỏa bắn hạ UAV. Nguồn: Defense web TV
Theo Bộ Quốc phòng Nga, OSA 9K33 là một hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm ngắn, tính cơ động cao, được thiết kế từ thời Liên Xô. Vào năm 1960, Liên Xô bắt đầu phát triển hệ thống OSA để đáp trả hệ thống phòng không Mauler của Mỹ. OSA được biên chế cho quân đội Liên Xô vào năm 1971, còn Osa-M (mã định danh NATO SA-N-4 Gecko) – phiên bản hải quân của hệ thống được đưa vào biên chế năm 1972.
Các phiên bản nâng cấp của OSA 9K33 bao gồm OSA-AK (SA-8B Gecko Mod-0) và OSA-AKM (SA-8B Gecko Mod-1). Còn phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa này được bán trên thị trường với tên gọi 9K33 Romb. OSA 9K33 cùng các biến thể của nó đã được xuất khẩu sang 24 quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia đã hiện đại hóa hệ thống tên lửa này để cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu và tầm bắn của nó sau khi đưa vào sử dụng. Phiên bản nâng cấp của Belarus có tên gọi Osa-1T, trong khi phiên bản nâng cấp của Ba Lan được gọi là Osa-AKM-P1 Zadlo.
Xe mang phóng tự hành
Tổ hợp OSA 9K33 có chiều dài khoảng 9,1m, bề ngang 2,78m, trọng lượng lên tới 18.000 tấn. OSA 9K33 tích hợp radar dẫn bắn lên xe mang phóng tự hành (TELAR), mang lại tính cơ động rất cao. Xe TELAR của OSA sử dụng khung gầm xe bọc thép đổ bộ BAZ-5937, có thể lội nước hoặc được vận chuyển bằng đường không. Phương tiện có thể chở kíp lái 5 thành viên, được bọc giáp nhẹ và trang bị hệ thống bảo vệ chống vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC). Radar lắp đặt trên xe có tên mã NATO là Land Roll, có xuất xứ từ hệ thống radar biển “Pop Group” nhưng nhỏ hơn bởi không cần hệ thống ổn định phức tạp. Mỗi xe mang phóng có thể phát hiện, theo dõi hay chống máy bay một cách động lập, hoặc hoạt động với sự hỗ trợ của radar giám sát.
Tháp pháo của xe mang phóng tự hành được trang bị 4 đường ray phóng tên lửa. Mỗi được ray có 2 radar, một hệ thống xác định bạn hay thù (IFF).
Xe được trang bị động cơ diesel tăng áp 2D20B cung cấp công suất 300 mã lực, giúp di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h trên đường bộ, tầm hoạt động 500km. Nó cũng có một hệ thống tuabin khí để cung cấp năng lượng khi động cơ chính bị ngắt.
Hệ thống OSA 9K33 không thể phóng tên lửa khi đang di chuyển, nhưng có thể thực hiện nhiệm vụ trong vòng 4 phút sau khi dừng. Toàn bộ quá trình từ phát hiện mục tiêu đến phóng tên lửa kéo dài 26 giây.
Tên lửa đánh chặn
Tổ hợp phòng không OSA được trang bị tên lửa đánh chặn có chiều dài 3,2m, đường kính 0,21m và trọng lượng lên tới 126kg. Tên lửa ban đầu 9M33 có mang đầu đạn nổ mảnh (HE FRAG) nặng 14,5kg, tầm bắn tối đa 10.000m, trần bay 5.000m. Nhưng phiên bản nâng cấp của nó 9M33M3 có thể tầm bắn lên tới 15.000m, được tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực có độ chính xác cao. Tên lửa đánh chặn 9M33M3 có chiều dài 3.158 mm; đường kính thân 209,6 mm; trọng lượng 170 kg, mang đầu nổ cận đích nặng 16 kg. Tên lửa đạt vận tốc 1.020 m/s; xác suất tiêu diệt mục tiêu 35 - 85% tùy độ cao
Tổ hợp OSA-AKM, phiên bản nâng cấp mới nhất, có khả năng bảo vệ quân đội và khí tài quân sự trước các cuộc tấn công bằng máy bay có người lái hoặc UAV bay ở tầm thấp hoặc độ cao trung bình. Nó có thể đánh chặn tên lửa hành trình, bắn hạ trực thăng, UAV và các loại vũ khí tấn công đường không của đối phương bay ở độ cao 5.000m.
Một tổ hợp này có thể mang theo tối đa 6 tên lửa đất đối không, với tầm bắn được nâng lên đáng kể so với các phiên bản trước đó. Nó có thể bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách 15km.
Trong quân đội Nga, tổ hợp tên lửa phòng không OSA 9K33 được sử dụng ở tuyến đầu. Hiện tại, nó được triển khai ở khu vực Donbass và kiểm soát không phận 24/24 giờ để bảo vệ quân đội và các thành phố của Nga trước các cuộc không kích của lực lượng vũ trang Ukraine. Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết, tổ hợp tên lửa phòng khônh OSA-AKM đã tiêu diệt 115 mục tiêu trên không khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Ukraine vào tháng 8/2022./.
Từ khóa: tổ hợp phòng không Nga OSA 9K33, tổ hợp tên lửa phòng không, xung đột nga ukraine, sức mạnh của OSA 9K33, xe mang phóng tự hành, tên lửa nga, nga bắn hạ uav ukraine, bắn hạ máy bay không người lái, chiến tranh ukraine, vũ khí nga, tên lửa đánh chặn, tên lửa 9M33M3
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN