Tình trạng quản lý lỏng lẻo trẻ em sử dụng TikTok
Cập nhật: 27/01/2021
VOV.VN - Các cơ quan chức năng Italia đã kiện TikTok (tháng 12/2020) với cáo buộc thiếu chú ý đến việc bảo vệ trẻ vị thành niên, chỉ trích các bước đăng ký tài khoản trên mạng xã hội này quá đơn giản, khiến trẻ em dễ dàng truy cập.
Sau vụ việc vừa rồi, dư luận Italia cũng phản ứng mạnh mẽ, kêu gọi siết chặt quản lý ứng dụng này. Trong khi đó về phần mình, đại diện TikTok tại Italia cho biết vẫn chưa xác định được rõ nội dung nào trên nền tảng đã khuyến khích cô bé Antonella tham gia bất kỳ thử thách nào như vậy. Tuy nhiên, Tiktok cam kết hỗ trợ các nhà chức trách Italia trong cuộc điều tra về khả năng nạn nhân bị “xúi giục tự tử”.
Rõ ràng, không phải đến bây giờ, làn sóng phản ứng với các thử thách “vô thưởng vô phạt”, nguy hiểm cũng như vấn đề quản lý độ tuổi người sử dụng của TikTok mới diễn ra.
Cho đến thời điểm này, ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng TikTok tại Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào liên quan đến vụ việc ở Italia, ngoài cam kết cấm trẻ em dưới 13 tuổi đăng ký sử dụng nền tảng của đại diện TikTok tại quốc gia này.
Trên thực tế, mặc dù Douyin, phiên bản nội địa và hoàn toàn tách biện với TikTok đã đưa ra một chương trình bảo vệ trẻ vị thành niên ở Trung Quốc mang tên “Kế hoạch Hoa hướng dương” từ giữa năm 2018, nhưng ứng dụng này vẫn bị các cơ quan chức năng trong nước nhắc nhở và người dùng phàn nàn, do chế độ kiểm duyệt người dùng vị thành niên dù đã được thiết lập, nhưng trên thực tế “có những như không”.
Năm 2019, Douyin đã nâng cấp chương trình này và kích hoạt hệ thống “chống nghiện” trong thanh thiếu niên, đồng thời liên kết với tài khoản của phụ huynh để phối hợp quản lý, song trên thực tế vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tuy báo chí Trung Quốc chưa công bố vụ việc đáng tiếc nào xảy ra tại nước này tương tự như ở Italia, nhưng hiện tượng trẻ em nghiện ứng dụng này vẫn xuất hiện tại đây. Ngay hồi tháng 4/2020, một bé gái cũng 10 tuổi ở tỉnh Chiết Giang nước này, mê Douyin đến mức đã gọi điện cho cảnh sát cầu cứu chỉ vì bị người nhà xóa ứng dụng này trên điện thoại. Thậm chí có những bé nghiện đến mức phải nghỉ học để đi chữa bệnh.
Sau khi thông tin về bé gái xấu số ở Italia được truyền thông Trung Quốc đăng tải, không ít người trong cộng đồng mạng nước này cũng lên tiếng, yêu cầu siết chặt quản lý đối với Douyin, bởi nhiều nội dung trên ứng dụng này ở Trung Quốc không có lợi, thậm chí khiến trẻ em bị “nhiễm độc” và cần phải xử lý./.
Từ khóa: TikTok, quản lý lỏng lẻo, trẻ em sử dụng TikTok
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN