Tình nguyện mùa hè: “kì nghỉ” đáng nhớ của sinh viên Việt Nam

Cập nhật: 08/08/2022

(VOV5) - "Năm nay chiến dịch hè diễn ra trong bối cảnh Đại hội Đoàn nên được triển khai theo hướng dựa vào cơ sở, gắn với nhu cầu cũng như nguyện vọng thiết thực của các bạn thanh niên, thiếu nhi..."

Đối với phần lớn sinh viên Việt Nam, tham gia tình nguyện là một cách khiến cho kỳ nghỉ hè trở nên hấp dẫn và đáng nhớ hơn. Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hè 2022 này, các bạn trẻ lại có thêm nhiều hành trình thiện nguyện đầy ý nghĩa.

Một trong số đó là chiến dịch “Mùa hè xanh 2022” do Hội sinh viên Việt Nam tổ chức, nhằm hướng sinh viên trên khắp mọi miền tổ quốc đến các hoạt động công ích xã hội. Đến nay đã là năm truyền thống thứ 25 của “Mùa hè xanh”.

Gắnbó với mảnh đất xa lạ

Những ngày cuối tháng 7, lần đầu tiên, cô sinh viên Lê Thị Thùy Linh, học khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (USSH) có một chuyến thiện nguyện mùa hè. Đó là chiến dịchMùa hè xanhdo Đoàn trường tổ chức, tại xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái thuộc vùng núi cao phía Bắc.

Thùy Linh chia sẻ, khi nắm bắt được thông tin này, với mong muốn trở thành một phần của chuyến đi vô cùng thiết thực và ý nghĩa cô đã không ngần ngại đăng ký tham gia với vai trò tình nguyện viên.

Tình nguyện mùa hè: “kì nghỉ” đáng nhớ của sinh viên Việt Nam - ảnh 1Lê Thị Thùy Linh vô cùng hào hứng với hành trình Mùa hè xanh năm nay. Ảnh NVCC.

Hành trình đến với miền núi cao là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt đối với bản thân Thùy Linh, một cô gái Hà Nội gốc, vốn chỉ quen nếp sống thị thành.

Cả đội tình nguyện được ở tại Trường Tiểu học và THCS Nội trú xã. Tự mình đi chợ, nhóm bếp củi nấu cơm bằng nồi gang, sửa điện, đi cấy cày, gieo hạt trồng cây... là những trải nghiệm rất mới mẻ.

Và ngược lại, những sinh viên tình nguyện tham gia tổ chức sinh hoạt hè, dạy tiếng Anh cơ bản, biểu diễn văn nghệ cho thiếu nhi trong xã... những trải nghiệm mà Thùy Linh chưa từng thử trước đó.

Cô chia sẻ, người dân Phình Hồ rất niềm nở, vui vẻ đón chào và sẵn sàng sẻ chia một phần cuộc sống với các sinh viên. Bữa cơm đơn giản của đội tình nguyện thêm phần ấm cúng khi được nấu bằng củi và rau sạch được bà con nơi đây mang đến. Các hoạt động như các lớp học kỹ năng hay sinh hoạt hè, tập văn nghệ được cô và các bạn tổ chức đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình từ các em nhỏ.

Một câu chuyện rất đáng nhớ đã diễn ra vào buổi tối cuối cùng trước khi trở về thủ đô, khi cả đoàn bàn giao lại cơ sở vật chất sinh hoạt cho xã, vì vậy mà không còn chỗ để nấu nướng. Cả đoàn hai chục người, đã được một gia đình người dân ở đó chia sẻ không gian bếp. Thùy Linh kể, cô chủ nhà đã đồng ý và còn bảo cả đội là có cả thịt, rau nếu còn đói thì có cả cơm nóng vừa được cắm trong nồi... Cảm giác được người dân yêu thương và ủng hộ, với cô đó có lẽ là những bát mỳ ngon nhất từng được ăn tại Phình Hồ.

Tất cả tình cảm ấm áp cho và nhận ấy đã gắn kết Thùy Linh với mảnh đất vùng cao Phình Hồ. Điều đó cũng là động lực để cô tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với hoạt động thiện nguyện.

Tình nguyện mùa hè: “kì nghỉ” đáng nhớ của sinh viên Việt Nam - ảnh 2Thùy Linh và đoàn tình nguyện đã trao tặng suất quà đến tay hộ gia đình khó khăn tại xã Phình Hồ. Ảnh Mùa hè xanh USSH.

Cô cho biết thêm, đoàn tình nguyện của Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn đợt ấy với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, đã trao tặng được ba nhà vệ sinh cho 3 hộ gia đình trị giá 14 triệu đồng; một Tủ sách Nhân văn cho Trường Tiểu học và THCS Nội trú Phình Hồ với khoảng 600 đầu sách trị giá 9 triệu đồng; 90 thùng mỳ tôm cho các hộ dân địa phương cùng rất nhiều suất quà ý nghĩa khác.

Những k niệm khó phai

Có thời gian gắn bó với hoạt động tình nguyện lâu hơn so với Thùy Linh, Nguyễn Đại Nghĩa, sinh viên năm 4 chuyên ngành Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã bén duyên với những “mùa hè xanh” từ khi mới bước chân vào đại học.

Chàng Phó Bí thư Đoàn khoa Ngân hàng kiêm Sinh viên 5 tốt cấp trường vừa trở về từ Chiến dịch Mùa hè xanh của sinh viên kinh tế. Điểm đến của chuyến đi là xã Trung An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và Nghĩa là đội trưởng của đội sinh viên tình nguyện tại xã.

Tình nguyện mùa hè: “kì nghỉ” đáng nhớ của sinh viên Việt Nam - ảnh 3Nguyễn Đại Nghĩa - chàng sinh viên đã có gần 4 năm đồng hành cùng công tác thiện nguyện ở trường Đại học. Ảnh NVCC.

Trung An vốn là một xã nghèo của Vĩnh Long, những tuyến đường dân sinh vẫn rất thô sơ. Chiến dịch Mùa hè xanh của sinh viên Kinh tế đã huy động tài trợ và trích ra số tiền 150 triệu đồng cùng góp với 50 triệu đồng từ phía xã để bắt tay khởi công Công trình cầu Thanh niên - tuyến đường dân sinh

Đội của Nghĩa cùng phía chủ thầu xây dựng đã có những ngày lao động tích cực để hoàn chỉnh cây cầu. Nhờ đó mà việc đi lại, sinh hoạt trong xã trở nên thuận tiện và an toàn hơn đáng kể.

Ngoài ra, đội còn tổ chức thành công Ngày hội an toàn giao thông với tên gọi Giao thông xanh, buổi Tuyên truyền tư vấn hỗ trợ pháp luật và dịch vụ công đến các em học sinh trên địa bàn xã.

Tình nguyện mùa hè: “kì nghỉ” đáng nhớ của sinh viên Việt Nam - ảnh 4Nghĩa và gia đình mùa hè xanh đầy gắn bó của mình. Ảnh NVCC.

Nghĩa kể, qua mỗi mùa tình nguyện, anh lại có thêm cho mình một gia đình. Đó một phần là bởi “văn hóa mùa hè xanh” rất riêng của sinh viên kinh tế. “Mỗi đội hình sẽ được chia thành nhiều nhà, ở đó các chiến sĩ phân chia vai trò nội, ngoại, tía, má, anh, chị và các út như một gia đình thực thụ. “Cả nhà” luôn sát cánh, hỗ trợ, nương tựa vào nhau trong suốt hành trình dài 26 ngày xanh”, anh cho biết.

Ngày trở về Sài Gòn, cả đội bịn rịn chia tay người dân Trung An.

“Anh chị đừng về nhé! Anh chị về rồi, ai chơi cùng chúng em?” là câu nói của các em nhỏ tại xã Trung An vào ngày trở về Sài Gòn làm anh nhớ mãi.

Tình nguyện mùa hè: “kì nghỉ” đáng nhớ của sinh viên Việt Nam - ảnh 5Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội. Ảnh Thảo Nguyên

Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng đánh giá “Mùa hè xanh 2022” đã có những hiệu quả tích cực, vượt qua được giai đoạn chuyển đổi giữa Covid-19 và bình thường mới. “Năm nay chiến dịch hè diễn ra trong bối cảnh Đại hội Đoàn nên được triển khai theo hướng dựa vào cơ sở, gắn với nhu cầu cũng như nguyện vọng thiết thực của các bạn thanh niên, thiếu nhi. Ví dụ như tiếp sức mùa thi rất sát sườn với các bạn học sinh lớp 10, 12; cuối tuần có các lớp kĩ năng cho thiếu nhi như phòng tránh tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ em, băng bó vết thương, phòng chống đuối nước,... rất phù hợp và kịp thời”, anh Hưng cho biết.

Đến nay đã là năm truyền thống thứ 25 của Mùa hè xanh, một chiến dịch do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, nhằm hướng sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc đến các hoạt động công ích xã hội. Trong thời gian tới, để chiến dịch tiếp tục phát huy giá trị, theo anh cần: “Thực hiện những hành trình xương sống có sự tham gia của các nguồn lực, công bố kế hoạch từ sớm để các trường và các đơn vị thuận lợi tham gia cùng sẽ phát huy được các bạn tốt hơn, góp phần làm các công trình, phần việc ở các tỉnh thành được “ra món” hơn”.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, mùa hè xanh, sinh viên tình nguyện, tình nguyện viên, Phình Hồ, Trần Quang Hưng

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập