Tình nghĩa Việt - Lào vững bền hơn núi, hơn sông: Một tinh thần quốc tế trong sáng
Cập nhật: 25/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Là hai quốc gia láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, Việt Nam và Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông, cùng chung kẻ thù trong cuộc kháng chiến giành độc lập, giải phóng dân tộc.
Từ sự gắn kết do điều kiện tự nhiên và lịch sử, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được các lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, vun đắp bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ và ngày càng được củng cố, không ngừng phát triển, trở thành tấm gương mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.
Thực hiện kế hoạch hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Phát thanh Quốc gia Lào nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, và nhìn lại năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, nhóm phóng viên VOV đã có cơ hội tham gia hành trình hơn 2.000 km từ Việt Nam sang nhiều tỉnh nước bạn Lào.
Chúng tôi đã gặp gỡ những nhân chứng, đến thăm những địa chỉ đỏ, ghi lại những câu chuyện xuất phát từ mối quan hệ tự nhiên, gắn bó giữa hai dân tộc. Loạt phóng sự: "Tình nghĩa Việt - Lào, vững bền hơn núi hơn sông” do nhóm phóng viên Ban Thời sự, Ban Đối ngoại thực hiện.
“Một tinh thần quốc tế trong sáng”
"Kẻ thù còn đụng đến ta
Ta còn nghĩa vụ chuyên ra, chuyên vào
Đường chuyên từ Việt qua Lào
Nghĩa tình giúp bạn chính là giúp ta”
Những vần thơ, những kỷ vật về một thời thanh niên sôi nổi, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc được nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp trân trọng, nâng niu như báu vật đời mình. Là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Nghệ An trong những năm chiến tranh rất ác liệt, từ năm 1970 - 1973, nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp được cử sang Lào giúp bạn xây dựng cơ quan Thông tấn xã, nhằm truyền đi những tin tức quan trọng phục vụ công cuộc kháng chiến của Đảng nhân dân cách mạng Lào và bộ đội Pa Thét Lào.
Những năm tháng ấy, máy bay Mỹ bắn phá điên cuồng, cơ sở làm việc đặt trong hang sâu phải gỡ đi, dựng lại tới 5 lần, bom bi nhiều lần nổ trước miệng hang... nhưng các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam vẫn sát cánh cùng đồng nghiệp Lào, để thông tin không một giờ đứt đoạn. Cơ duyên đã khiến nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp gắn đời mình với đất nước Triệu Voi xinh đẹp và mến khách.
“Lào với tôi là quê hương thứ hai. Vợ chồng đi du lịch Lào Cai, tôi làm cờ Việt Nam, vợ làm cờ Lào. Tôi đưa tình Việt - Lào lên đỉnh Fansipan” - Nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp chia sẻ và khoe với chúng tôi hình nền điện thoại là bức ảnh hai vợ chồng ông cầm trên tay lá cờ Việt - Lào bay phần phật khi chinh phục đỉnh Fansipan, ông Nghiệp không giấu được niềm vui trong ánh mắt, giọng nói.
Bằng tình yêu dành cho đất nước Lào, với khả năng quan sát và tập hợp tư liệu của một nhà báo, ông dành nhiều thời gian viết sách về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Không chỉ ghi lại các sự kiện lịch sử quan trọng, các trang sách của ông còn có những câu chuyện, những nhân vật cụ thể làm sáng bừng bức tranh hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Ông Nghiệp kể: “Ông Ngô Thế Sơn giúp xây dựng các chi bộ Đảng bên đấy. Người đầu tiên ông tuyên truyền cách mạng là ông Thạo Tu. Ông Ngô Thế Sơn mới bàn kết nghĩa ăn thề. Không may ông Thạo Tu chết, ông Ngô Thế Sơn đón 6 người con của ông Thạo Tu ở Nọong Hét về Hà Nội nuôi. Lúc đó hai vợ chồng của ông bà cũng đã có 6 người con rồi, trong thời kỳ bao cấp cực kỳ khó khăn. Sau năm 1975, các con về Vientiane, trở thành cán bộ nòng cốt của Lào.
Suốt chiều dài lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng chục nghìn cán bộ quân tình nguyện và người dân Việt Nam đã băng rừng, lội suối, vượt Trường Sơn sang Lào. Với tinh thần quốc tế trong sáng, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, những chuyên gia quân sự và chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã trải qua khó khăn, gian khổ, hy sinh.
Như lời của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào…Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt”.
Tham gia chiến đấu tại Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương, ông Nguyễn Văn Hiểu, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn Công binh Z25 may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Trong mưa bom, bão đạn của quân thù, biết bao chiến sĩ quân tình nguyện của Việt Nam đã gồng mình cho tới ngày toàn thắng, và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại ở lưng đồi thông, hay cạnh bản làng... Máu thịt của họ đã hòa vào sông, núi để có đất nước Lào hòa bình tươi đẹp hôm nay.
“Nói về quân số hy sinh ở Mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng ở nghĩa trang Anh Sơn, Nghệ An có hơn 10.000 liệt sỹ. Có anh bạn Lê Văn Dũng cùng nhập ngũ 1 ngày. Chuẩn bị chiến dịch Z, anh dò mìn trên đường thì quả mìn nổ, anh bị thương, băng 21 cuộn băng mà không cầm được máu. Thực ra lúc đó tuổi trẻ, tất cả đều theo tiếng gọi của Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh”, ông Nguyễn Văn Hiểu cho biết.
Trong 3 thập kỷ, giai đoạn 1945-1975, đã có tới 80.000 lượt chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam được cử sang công tác và chiến đấu tại Lào. Có chiến sỹ lên đường từ khi mười tám, đôi mươi, hoàn thành nhiệm vụ về nước khi tóc đã ngả màu. Có gia đình, nhiều thế hệ là quân tình nguyện. Và đã có 40.000 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, hàng chục nghìn người bị thương trên mảnh đất này.
Trải qua 22 trận đánh lớn nhỏ suốt những năm 1967-1970, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lào Khăm Mặn Khủn Chằn Thạ ấn tượng sâu đậm về những năm tháng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” của bộ đội Việt Nam và bộ đội Pa Thét Lào trong trong các chiến dịch giải phóng, giành độc lập cho dân tộc.
“Trong chiến dịch Cụ Kiệt, chúng tôi phối hợp với bộ đội Việt Nam để giải phóng Cánh đồng Chum. Bộ đội tình nguyện Việt Nam sẽ vào đánh trước. Phải công nhận là họ rất giỏi, đi mà không ai biết, chúng tôi vào theo sau. Nếu bây giờ chiến tranh có xảy ra, tôi sẽ đưa cả gia đình con cái sang Việt Nam vì đi đâu cũng không thể an toàn bằng. Tình Việt - Lào khăng khít như vậy đấy” - ông nói.
Một biểu tượng “lấp lánh” minh chứng cho quan hệ đặc biệt giữa hai nước đó là con đường chiến lược Tây Trường Sơn chi viện cho chiến trường ở miền Nam Việt Nam. Nhờ sự đồng cam, cộng khổ, hết lòng ủng hộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đường Hồ Chí Minh đi qua 17 Mường ở Trung và Nam Lào với tổng chiều dài hàng nghìn km đã hoàn thành. Suốt 16 năm (1959-1975), đế quốc Mỹ rải dọc tuyến đường Trường Sơn hàng triệu tấn bom, hàng ngàn tấn chất độc hóa học nhằm ngăn chặn tiếp viện của ta. Trong “làn mưa bom, bão đạn” ấy, nhân dân các bộ tộc Lào đã hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam trong việc mở và bảo vệ tuyến đường.
Ông Lê Thượng Quýnh, người lính hóa học từng nhiều lần sang Lào lấy mẫu chất độc da cam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhớ lại: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không có chính quyền Lào, cuộc cách mạng Lào, không có quân đội Lào thì vũ khí, đạn dược của ta vào miền Nam không được bao nhiêu. Tôi đã đến thăm các điểm ở những bản hẻo lánh lắm, thấy người ta sẵn sàng tùa nhà, tùa cửa, phá hết cho xe ta chở vũ khí đi vào, không tiếc gì. Mối tình Lào - Việt, Việt - Lào thắt chặt, đời đời bền vững”.
Từ rừng núi đến đồng bằng, từ vùng giải phóng đến vùng địch hậu, quân và dân hai nước đã sát cánh bên nhau, đưa cuộc cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa xuân năm 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2/12/1975 tại Lào. Hai đất nước Việt - Lào đã giành độc lập, tự do. Tinh thần quốc tế trong sáng đã tạo tiền đề vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt, mẫu mực, hiếm có trên thế giới, một tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc cho muôn đời sau để quan hệ Việt - Lào “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”./.
Từ khóa: Việt Nam Lào, tình nghĩa Việt Lào, anh hùng lực lượng vũ trang, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN