Tình nghĩa Việt-Lào: Những bước chân không mỏi vì sự bình yên nơi biên giới
Cập nhật: 28/12/2022
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - Suốt nhiều thập kỷ qua, những bước chân không mỏi, những ánh mắt thức thâu đêm, những cuộc hành quân xuyên qua bao cánh rừng già của những người lính biên phòng hai nước đã góp phần giữ bình yên cho tuyến biên giới chung dài hơn 2000 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và Lào.
Trong tổng thể mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Lào, hợp tác biên giới là một mẫu mực về hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và áp dụng một cách sáng tạo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trên cơ sở tình hữu nghị đặc biệt.
Trong chuyến công tác sang Lào hồi cuối tháng 10, chúng tôi có hẹn làm việc với đồn Biên phòng Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Từ trung tâm huyện vào điểm hẹn chỉ hơn 20 km nhưng ô tô phải đi gần 1 tiếng đồng hồ. Nhiều đoạn, xe chỉ di chuyển được với vận tốc 5-7km/h, phía trước là quãng đường rải nhựa đã bong tróc gần hết với đầy “ổ voi”.
Con đường độc đạo dẫn đoàn công tác đi xuyên cánh rừng đại ngàn phía Đông Trường Sơn, suốt chặng đường dài không một bóng người. Nhưng trải nghiệm đó của chúng tôi chẳng “thấm” gì so với những thử thách trên bước đường tuần tra của những người lính Biên phòng Phú Gia.
“Quá trình đi tuần tra lúc nào cũng khó khăn vất vả, bởi đồi, núi, rừng ở tuyến biên giới Việt - Lào rất xa, có nhiều vách đá, rất khó đi. Có những lúc đi đến cột mốc mà phải đi đường vòng. Mình nhìn thấy cảm tưởng là nó gần - chỉ 1-2 km nhưng mà phải đi vòng qua một đồi khác, qua nhiều khe suối khác mới đến được cột mốc ấy”.
Đó là chia sẻ của Thượng tá Phan Duy Vỵ, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Gia về những khó khăn trên đường tuần tra biên giới.
Đường lên mốc quốc giới chủ yếu là đường bộ, nhiều đoạn, cán bộ, chiến sỹ phải hành quân bằng “ý chí”. Do quá trình tuần tra xuyên rừng kéo dài cả tuần, mỗi người phải mang khoảng 30 kg hành lý, chân đi dép rọ, tất kéo cao đến tận đầu gối để chống vắt, các loại côn trùng và rắn rết. Hàng ngày, các anh tổ chức lực lượng tuần tra các cột mốc, kiểm tra vật đánh dấu, đường mòn, lối mở trong rừng dọc đường biên. Qua đó, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, ngăn chặn sự xâm nhập của các đối tượng hình sự, chấn chỉnh tình trạng người dân vi phạm quy chế biên giới.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngoài việc thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát đơn phương, đồn Phú Gia còn kết nghĩa với Đại đội 311 thuộc tỉnh Khăm Muộn của nước bạn để nâng cao hiệu quả trong bảo vệ đường biên chung.
“Đồn Biên phòng Phú Gia và người dân thôn Phú Lâm cùng bà con nhân dân có thân tộc ở các bản bên Lào có sự phối hợp rất tốt, đặc biệt Đồn Biên phòng Phú Gia thường xuyên liên lạc, kết nối với lực lượng bảo vệ biên giới Lào để nắm tình hình đời sống người dân hai bên khu vực biên giới, đặc biệt là các bản khu vực của huyện Na Kai của Lào, đời sống còn gặp nhiều khó khăn”, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang chia sẻ thêm.
3 đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh kết nghĩa với 1 đồn Công an và 3 đại đội bảo vệ biên giới của Lào. Dẫn chúng tôi đi dọc con đường nhỏ giáp biên, phía xa là những ngôi nhà nằm yên bình dưới tán cây xanh, Trung tá Trần Văn Sông, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo chia sẻ, các hoạt động cùng ăn, cùng ở, cùng thực hiện nhiệm vụ, cùng trao đổi nghiệp vụ chuyên môn trong những cuộc tuần tra song phương là cơ hội để lực lượng bảo vệ biên giới hai nước hiểu nhau hơn, gắn kết như anh em một nhà.
“Sự gắn bó, mối quan hệ kết hợp giữa Đồn Biên phòng chúng tôi với Đại đội Bảo vệ Biên giới Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bô ly khăm xay cảm giác như người một nhà. Quá trình tuần tra, khi bị rắn cắn, phía bạn không có quân y, quân y chúng tôi hỗ trợ chăm sóc, băng bó, như quân nhân của Việt Nam. Các bạn nấu được nồi xôi để ăn trên đường tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc cũng chia sẻ cho chúng tôi… cảm giác phía bạn cũng như mình”, Trung tá Trần Văn Sông chia sẻ thêm.
Chia tay cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cầu Treo, chúng tôi ngược về cửa khẩu để đến với nước bạn Lào. Tuyến biên giới Việt - Lào qua tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài hơn 164 km, tiếp giáp với hai tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn của Lào
Ở phía Tây Trường Sơn, quản lý đoạn biên giới dài gần 45 km tiếp giáp với địa bàn của đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo là nhiệm vụ của Đại Đội Bảo vệ Biên giới 253, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào. Niềm nở đón chúng tôi, các phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu đến với mảnh đất này, Đại úy Sỷ Sụ Phăn Xay Nhạ Sẻng, Đại đội trưởng Đại đội Bảo vệ Biên giới 253 cho biết, các lực lượng chức năng và nhân dân hai nước đều nỗ lực để xây dựng khu vực biên giới phát triển trong sự gắn bó, hỗ trợ nhau thiết thực.
“Đại đội Bảo vệ Biên giới đã tăng cường hợp tác giữa hai nước. Đặc biệt, chúng tôi kết nghĩa với Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam để thường xuyên phối hợp kiểm tra cột mốc, tuần tra biên giới, giữ vững an ninh vùng biên. Đơn vị luôn nêu cao tinh thần đoàn kết và mối quan hệ giao lưu, hợp tác mật thiết. Đồng thời, hai đơn vị còn thường xuyên trao đổi tình hình, kinh nghiệm, tập trận chung và tăng cường hoạt động tuần tra”, Đại úy Sỷ Sụ Phăn Xay Nhạ Sẻng thông tin thêm.
Giờ đây, nếu ai đã đến bản biên giới Thoọng Pẹ, thuộc huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, chắc sẽ không nhận ra đây là nơi mình đã từng đặt chân. Thung lũng nghèo xơ xác vì sự tàn phá của ma túy năm xưa, nay đã bình yên với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, khẳng định cuộc sống đã hồi sinh, người dân Thọong Pẹ đã dần ấm no, đủ đầy...
Thời gian ở Thoọng Pẹ, đến đâu chúng tôi cũng được bà con nhắc tới Bộ đội biên phòng Việt Nam với thái độ nể trọng, biết ơn trìu mến. Bởi các anh đã giúp đỡ, sẻ chia, đùm bọc đồng bào trong mọi hoàn cảnh.
Để giúp chính quyền và nhân dân Thoọng Pẹ xóa tệ nạn ma túy, thoát khỏi đói nghèo, Biên phòng Hà Tĩnh cử bộ đội sang nước bạn hướng dẫn dân bản Thoọng Pẹ cách trồng lúa nước. Mùa đầu, đồng bào còn ngơ ngác đứng trên bờ nhìn bộ đội biên phòng Việt Nam lội ruộng cấy lúa. Mùa sau, cả bản rủ nhau tham gia, không chỉ trồng lúa nước mà còn nghe lời bộ đội trồng gừng và cây gió bầu.
Năm 2007, khi tệ nạn ma túy được đẩy lùi, cũng là lúc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đồng ý cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo xây tặng bản Thoọng Pẹ một Trạm quân dân y kết hợp. Từng đến địa chỉ này chữa trị nhiều lần, ông Sỉ Phoong Xay Nhụ Thị, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay luôn biết ơn tình cảm của các y, bác sỹ Việt Nam dành cho mình.
“Khi mình sốt hay đau ốm, đều được bác sĩ thăm khám, điều trị khỏi. Bác sỹ quan hệ đoàn kết với nhân dân ở đây. Người dân chỉ muốn các bác sĩ ở lại trạm xá, không cho về, vì người dân đặc biệt tin tưởng hai bác sỹ ở đây”, ông Sỉ Phoong Xay Nhụ Thị bày tỏ.
“Các anh về mái ấm nhà vui. Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ”, câu hát ấy cứ theo chúng tôi trong suốt thời gian đồng hành cùng người lính Biên phòng. Chứng kiến những bản làng vùng giáp biên giữa Hà Tĩnh, Việt Nam với tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn của Lào đang khởi sắc từng ngày, khiến một câu hát nữa lại bật lên trên môi “Việt - Lào anh em, vai sát vai tiến lên xây dựng ngày mai”./.
Từ khóa: hợp tác Việt Lào, tuần tra biên giới, Biên phòng Việt Lào tuần tra biên giới
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN