Tỉnh nghèo Lai Châu với nhiều dự án chậm tiến độ?
Cập nhật: 11/04/2021
VOV.VN - Tỉnh nghèo Lai Châu hiện có hơn 30 dự án chậm tiến độ, với tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng.
Có những dự án chậm tiến độ tới hơn 10 năm và có những dự án đang có dấu hiệu chậm, đã và đang ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vậy nguyên nhân chậm do đâu, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã có động thái, giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này?
Tháng 12/2013, Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường. Theo giấy chứng nhận đầu tư, mỏ được cấp phép trên diện tích 385ha, trong đó diện tích mỏ được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp phép khai thác là hơn 132ha, với trữ lượng 1,79 triệu tấn quặng. Dự án được kỳ vọng khi đưa vào khai thác sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 công nhân là lao động người địa phương và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, sau gần 8 năm được cấp chứng nhận đầu tư, dự án vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng phòng Kỹ thuật - Tổng hợp, Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu cho biết, mỏ đất hiếm Đông Pao được hình thành dựa trên cơ sở chủ trương liên kết hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác xong thì phía Nhật Bản ngừng hợp tác, dẫn tới công nghệ chế biến, nguồn vốn và thị trường từ Nhật Bản bị gián đoạn. Trong khi đó năm 2017 giá thuế tài nguyên tăng, tiền cấp quyền khai thác khoảng sản tăng theo và hiện công ty đang nợ hơn 100 tỷ đồng.
“Đến ngày 13/7/2016 Chính phủ có văn bản cho phép dừng hợp tác với Nhật Bản và Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Than khoảng sản Việt Nam tìm kiếm những đối tác có đủ năng lực và kinh nghiệm, để khai thác, chế biến đất hiếm hiệu quả và đảm bảo môi trường. Nhưng từ đó đến nay các đối tác trong nước không có công nghệ, không có nhà máy nào chế biến được ra tinh quặng, để đạt được đến tiêu chuẩn xuất khẩu của Bộ Công thương. Trong khi không được xuất khẩu, mà trong nước lại không có công nghệ, nhà máy nào để chế biến ra đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu của Bộ Công thương, nên là dự án không thể triển khai được” - ông Nguyễn Ngọc Lâm nói.
Trong số 32 dự án chậm tiến độ tại Lai Châu, 16 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; 16 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, trong đó chủ yếu là thủy điện vừa và nhỏ. Các dự án chậm tiến độ tập trung ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ và Mường Tè. Nguyên nhân dẫn tới các dự án thủy điện chậm tiến độ, chủ yếu liên quan đến dự án vi phạm đất rừng sau khi Chỉ thị 13 có hiệu lực và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng với người dân.
Ông Phạm Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty sông Đà 702, chủ đầu tư dự án Thủy điện Nậm Thi 1, tại huyện Tam Đường cho biết: “Dự án kéo dài là do thay đổi cơ chế chính sách về pháp lý, liên quan đến quy hoạch hồ thủy lợi Đông Pao. Trước đây ở huyện có xu hướng phát triển về nông nghiệp và có quy hoạch một cái hồ rất chi là lớn, nằm đúng vào vị trí đập của chúng tôi. Do đó là ảnh hưởng thời gian chúng tôi kéo dài từ 2007 đến 2015. Hiện nay đang vướng là do chủ trương, đường lối của Đảng là do hạn chế chuyển đổi đất rừng. Rừng ở đây là rừng tái sinh, nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến tác động môi trường của địa phương”.
Cũng liên quan đến dự án thủy điện, ông Lê Công Viên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần SCI Lai Châu chia sẻ: “Trong quá trình thi công thì người dân đã có động thái ngăn cản không cho công ty thi công trên phần đất đã được giao. Doanh nghiệp cũng đã trực tiếp đối thoại với từng hộ dân và về cơ bản cũng đã giải quyết được các khúc mắc với bà con. Tuy nhiên là vẫn còn một số hộ có những đòi hỏi vô lý quá, với những diện tích đất ven sông, suối bà con cũng đòi hỏi đền bù thì điều đấy là rất khó. Vấn đề giải quyết khúc mắc với người dân, thì cũng đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành hỗ trợ thêm đối với doanh nghiệp”.
Theo ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, qua rà soát hiện nay trên địa bàn có 5 dự án do tỉnh cấp chủ trương đầu tư chậm tiến độ và một số dự án có nguy cơ chậm. Nguyên nhân chậm tiến độ về khách quan là do các quy định của Nhà nước thay đổi. Về chủ quan, một số chủ đầu tư khi làm việc với người dân cũng có điểm chưa phù hợp. Trong quá trình triển khai thi công vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng.
“Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác để rà soát vướng mắc, khó khăn và những kiến nghị của người dân, để từng bước tháo gỡ và làm rõ những vướng mắc của người dân. Cái gì người dân đúng thì nhà đầu tư phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Còn cái gì mà người dân đòi hỏi chưa đúng thì chúng tôi kiên trì để giải thích cho nhân dân được hiểu, nắm bắt được chủ trương của nhà nước trong công tác thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư được triển khai các dự án trên địa bàn” - ông Vương Thế Mẫn nói.
Tính đến hết tháng 3/2021, tỉnh Lai Châu có gần 250 dự án được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 125.000 tỷ đồng. Hiện có 135 dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng, đóng góp nguồn thu thuế đáng kể vào ngân sách địa phương. Trong số 114 dự án đang triển khai thì có 32 dự án chậm tiến độ, với tổng vốn đầu tư gần 7.200 tỷ đồng.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra là "phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực vào năm 2025". Nếu các dự án đã rà soát chậm và có nguy cơ chậm không đưa vào khai thác sử dụng theo tiến độ, sẽ ảnh hưởng hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh cũng đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
“Đại diện UBND tỉnh sẽ làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp để xem vướng mắc ở đâu, để từ đó có giải pháp tháo gỡ. Nếu như về mặt chính sách tại địa phương thì chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát để sửa đổi. Còn nếu như các chính sách đó mà ở tầm các Luật, Nghị định hay là Thông tư của các cơ quan Trung ương ban hành, thì tỉnh cũng sẽ có đề xuất làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Trần Tiến Dũng khẳng định.
Các dự án chậm tiến độ ở Lai Châu hiện nay chủ yếu tập trung vào vấn đề bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng và liên quan đến rừng. Để giúp các chủ đầu tư từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập các tổ công tác, do Chủ tịch UBND làm tổ trưởng; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại các quy chế và thủ tục nội bộ, cũng như siết chặt quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp./.
Từ khóa: nhiều dự án, dự án chậm tiến độ, tỉnh nghèo, Lai Châu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN