Tình mẫu tử thiêng liêng, xúc động trong vở kịch “Huyền thoại gò Rồng ấp”
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Vở kịch "Huyền thoại gò Rồng ấp" mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả về tình mẫu tử thiêng liêng qua huyền tích về Lý Công Uẩn.
Tối qua (22/7), tại Hà Nội, vở kịch “Huyền thoại gò Rồng ấp” đã được công diễn trên sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam. Đây là tác phẩm sân khấu do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý, một trong những triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Một cảnh trong vở kịch "Huyền thoại gò Rồng ấp". |
Đến xem vở diễn “Huyền thoại gò Rồng ấp” có: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bà Lê Thị Thuỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL); Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam...
Các đại biểu đến xem vở diễn "Huyền thoại gò Rồng ấp" . |
“Huyền thoại gò Rồng ấp”chọn bối cảnh giai đoạn đất nước vừa qua thời loạn 12 sứ quân, trong ranh giới nhỏ hẹp vùng Hoa Lư của vua Đinh Tiên Hoàng, để rồi sau đó có cuộc vươn mình xuất hiện của triều Lý.
Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, một lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ. Vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.
Thị Ngà mang thai thiên tử. |
Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của sư Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm Kỷ Dậu (tức là 36 năm sau đó), một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, nối quốc thống vững bền, đó chính là triều Lý. Gò Rồng ấp, chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn…”. Điềm báo ấy ứng vào bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà.
Cùng lúc đó, ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên là Hồng Kỳ có cô con gái Hồng Nhài đang chửa hoang, vô tình biết chuyện về điềm báo. Hắn lại biết Thị Ngà đang mang thai thiên tử nên đã cùng vợ bày ra những âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà với hy vọng “cướp thiên mệnh” để “con cháu làm nên nghiệp đế", "cưỡi đầu, cưỡi cổ thiên hạ”.Hắn xới mồ mả cha mẹ của Thị Ngà rồi bốc mả cha mình đem táng ở gò Rồng ấp, mời thầy về lễ, đổi họ để có được họ Lý như "luật trời" đã định.
Gia đình phú hộ Hồng Kỳ bày ra những âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà. |
Cao trào được đẩy lên khi cô con gái phú hộ mất đứa con vừa sinh, gào thét trong điên loạn. Mất đi "thiên tử" của dòng họ, vợ chồng hắn điên cuồng tìm giếtThị Ngà cùng đứa bé trong bụng để cậu con trai quý tử "Ấm Sứt" là người duy nhất trở thành vua.
Chứng kiến gia đình ngày càng trở nên tàn độc, cậu "Ấm Sứt" đã lựa chọn cái chết để mẹ con Thị Ngà được bình an. Gia cảnh tan tác, đau thương, những tưởng phú hộ Hồng Kỳ sẽ tha cho mẹ con Thị Ngà thì hắn ngày càng mất đi lý trí mà lùng sục giết mẹ con chị.
Phú hộ Hồng Kỳ mất đi lý trí mà lùng sục giết mẹ con chị. Kết cục bị thú dữ tha đi. |
Có lẽ cũng bởi sự gia hộ của đất trời mà Thị Ngà đã vượt qua các kiếp nạn. Sức cùng lực kiệt, đến kỳ sinh nở, Thị Ngà phải dùng mảnh sành tự rạch bụng để con chào đời. Tiếng trẻ khóc vang cũng là lúc Thị Ngà lìa xa trần thế. Đứa bé đã được sư Vạn Hạnh đem về nuôi nấng để rồi sau này lớn lên đã trở thành vị Hoàng Đế khai quốc của triều Lý – người đã tạo dựng nên kinh đô Thăng Long rạng rỡ.
Bên cạnh sự thành công ở kịch bản, vở“Huyền thoại gò Rồng ấp” đã chinh phục khán giả ở màn kết hợp tài tình hai mặt đối lập trong nghệ thuật là yếu tố ước lệ và tả thực. Huyền tích dân gian được ekip lồng ghép sáng tạo khéo léo với những vấn đề của thời đại.
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết anh đã trăn trở khá nhiều khi kết hợp đặc trưng của sân khấu truyền thống với kịch nói."Đây là vở kịch dân gian mang tính huyền thoại, nhiều yếu tố dã sử cho nên bản thân sân khấu kịch với ngôn ngữ hiện thực và tả thực nó sẽ không làm toát lên hết được những tiềm ẩn trong tác phẩm này cho nên chúng tôi tư duy rằng ngôn ngữ sân khấu kịch nói nhưng phải là sân khấu kịch nói của Việt Nam, thấm đẫm văn hoá Việt.Chúng tôi thống nhất là đưa nhiều ngôn ngữ truyền thống vào vở diễn. Có thể nói điểm nhấn là ước lệ về không gian, thời gian và phương pháp biểu diễn ngả theo phương thức biểu hiện tâm lý", NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Xem vở diễn “Huyền thoại gò Rồng ấp”, khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có lúc cười vui dí dỏm bởi những tích dân gian cổ, đôi khi lại xúc động, trầm tư trước những tâm tư của nhân vật.
Điểm sáng của vở diễn không thể không kể đến diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên sân khấu Lệ Ngọc. Diễn kịch về đề tài lịch sử đã khó, diễn để làm cho “ngấm” cái hay của lịch sử vàokhán giả đương đại lại càng khó hơn.Một trong những phân cảnh đắt giá thể hiện tình mẫu tử cao thượng cũng như diễn xuất đỉnh cao của NSND Lệ Ngọc là cảnh Thị Ngà phải dùng mảnh sành tự rạch bụng để con chào đời. Khán giả lặng đi, xúc động trước hình ảnh người mẹ Việt Nam sẵn sàng hy sinh thân mình để dành sự sống cho con .
Cảnh Thị Ngà phải dùng mảnh sành tự rạch bụng để con chào đời gây ấn tượng mạnh với khán giả. |
Bên cạnh đó, sân khấu được NSND Doãn Bằng dàn dựng công phu, tính thẩm mỹ cao cùng với những hình tượng gợi mở đã dẫn lối cho câu chuyện mở ra.Phần trang phục, sân khấu và đạo cụ được chú trọng để tạo ra được một không gian thuần Việt. Âm thanh sống động, tạo hiệu ứng nghệ thuật cao.
Cố vấn nghệ thuật - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng đây là một vở kịch hay, đạt nhưng vẫn có thể hoàn thiện hơn để tăng hiệu quả về nghệ thuật: Tôi cho rằng vở diễn có phần hơi dàn trải, chưa thật đạt sự nhuần nhuyễn giữa hai mặt đối lập là yếu tố tả thực và yếu tố ước lệ...Nhưng tôi tin ekip sáng tạo hoàn toàn có thể điều chỉnh để vở diễn cô đọng hơn, sâu sắc hơn.
Còn nghệ sĩ cải lương Thu Trang đến xem với tư cách một khán giả, chia sẻ: "Thưởng thức "Huyền thoại gò Rồng ấp", có nhiều khoảnh khắc mà tôi tin rằng đã lay động được nhiều khán giả bởi diễn xuất của các nghệ sĩ. Chị Lệ Ngọc và các diễn viên sân khấu Lệ Ngọc đã hoá thân, khắc hoạmột cách trọn vẹntính cách, số phận nhân vật. Từng điệu bộ, cử chỉ, từng lời thoại ấn tượng, tuyệt vời đó đã giúp tôi có được những bài học cho riêng mình khi khai thác những nhân vật có cùng cảnh ngộ, số phận".
Sau các tác phẩm "Chuyện tình Khau Vai", "Mai Hắc Đế", "Hừng Đông" "Thầy Ba Đợi", "Hoa lửa Truông Bồn", "Ngàn năm mây trắng",...vở kịch "Huyền thoại gò Rồng ấp" thêm một lần nữa khẳng định thế mạnh và tâm huyết của tác giả Nguyễn Thế Kỷ về các đề tài tôn vinh lịch sử, văn hoá dân tộc.
"Huyền thoại gò Rồng ấp"sẽ chính thức được công diễn từ ngày 23 - 26/7, sau đó sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN vào tháng 9 ở Nam Ninh (Trung Quốc) và dự định tham gia Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm./.
Từ khóa: Huyền thoại gò Rồng Ấp, sân khấu Lệ Ngọc, Lý Công Uẩn, sự ra đời Lý Công Uẩn, NSƯT Triệu Trung Kiên,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN