Tỉnh Lai Châu bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 31/10/2022

(VOV5) -Gắn kết du lịch với văn hóa và lan tỏa bản sắc văn hóa tới du khách, tương lai không xa, Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Không chỉ sở hữu phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tỉnh Lai Châu còn có nền văn hóa đa dạng của 20 dân tộc. Phát huy tiềm năng là vùng đất văn hóa phong phú, tỉnh Lai Châu gắn chặt bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch.

Tỉnh Lai Châu bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch - ảnh 1Một góc thành phố Lai Châu nhìn từ trên cao. Ảnh Ngọc Anh

Mỗi dân tộc ở tỉnh Lai Châu có bản sắc văn hóa riêng, đặc sắc. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc là nguồn lực quan trọng để tỉnh phát triển du lịch. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”.Theo đó, tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, cho biết: "Giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu phấn đấu có 5 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu gắn với trải nghiệm văn hóa của 5 dân tộc. Cụ thể là bản Vàng Pheo của huyện Phong Thổ phát triển du lịch cộng đồng gắn với ẩm thực và văn hóa đặc trưng dân tộc Thái. Bản Sin Suối Hồ của huyện Phong Thổ trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa của người dân tộc Mông. Bản Sì Thâu Chải của huyện Tam Đường trải nghiệm văn hóa của người Dao. Bản Hon của huyện Tam Đường trải nghiệm văn hóa của dân tộc Lự. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 bản Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng tiêu biểu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)."

Tỉnh Lai Châu bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch - ảnh 2Quang cảnh đốt lửa trại của người dân và du khách ở bản Vàng Pheo

Tỉnh Lai Châu hiện có 5 Di sản văn hóaphi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Đặc biệt, hát Then của dân tộc Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, những năm qua, tỉnh Lai Châu tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.Điển hình là các lễ hội: Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì; Lễ mừng cơm mới của người Si La; Lễ hội Nàng Han của đồng bào Thái…

Chị Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Thổ, cho biết:"Ở xã Mường So hàng năm có lễ hội Nàng Han. Nàng Han là nữ tướng của người Thái. Ở đây có đền thờ Nàng Han, lễ hội Nàng Han tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch. Lễ hội này tôn vinh nữ tướng Nàng Han và gắn với các trò chơi dân gian, thu hút đông du khách. Ngày 10/3 âm lịch hàng năm ở đây cũng có lễ hội truyền thống của đồng bào Thái. Đó là lễ hội Then Kin Pang hay còn gọi là lễ hội té nước. Lễ hội có các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ có những trò chơi vòng xòe đoàn kết. Đây là những mô hình bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch."

Tỉnh Lai Châu bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch - ảnh 3Xôi tím Lai Châu được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022

Nghề thủ công truyền thống: dệt, thêu, đan lát, rèn… ở các bản làng, tỉnh Lai Châu, tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, du khách ưa chuộng. Ẩm thực cũng là thế mạnh của tỉnh Lai Châu. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận các món ăn: Cá bống vùi tro, Xôi tím Lai Châu được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022); công nhận các đặc sản: Quả óc chó nếp Sìn Hồ và Rượu ngô Sùng Phài được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 - 2022).

Chị Lò Thị Nhung, chủ Homestay Tâm Nhung ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, cho biết: "Ẩm thực dân tộc Thái rất phong phú, như: cá bống vùi tro, rêu đá, sâu đá, cá nướng kiểu pa pỉnh tộp - thứ cá nướng mắc khén nổi tiếng vùng Tây Bắc. Đến bản, du khách được thưởng thức ẩm thực dân tộc Thái, trải nghiệm văn hóa đặc sắc như múa xòa, múa sạp. Chúng tôi cho du khách trải nghiệm gội đầu kiểu dân tộc Thái. Người Thái vào ngày 30 Tết có lễ gội đầu để cầu may mắn và sức khỏe. Là người con bản Vàng Pheo, tôi muốn bảo tồn tri thức văn hóa dân gian và ẩm thực dân tộc Thái."

Tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch, kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng ở vùng Tây Bắc và cả nước. Tỉnh chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất, mở thêm các tour, tuyến du lịch; đồng thời có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, cho biết:"Tỉnh Lai Châu trình Chính phủ chủ trương xây dựng sân bay Lai Châu. Hiện tại chúng tôi đã phê duyệt được dự án Vườn Địa Đàng, huyện Tam Đường, có 6 phân khu rộng hơn 100 ha, điểm nhấn là khu trượt tuyết ngoài trời. Chúng tôi còn có dự án thác Tác Tình, dự án suối nước nóng Phiêng Phát, huyện Tân Uyên, dự án trường đua ngựa, sân golf, phát triển cây Sâm Lai Châu."

Tỉnh Lai Châu từng bước tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.Gắn kết du lịch với văn hóa và lan tỏa bản sắc văn hóa tới du khách, tương lai không xa, Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Lai Châu, suối nước nóng Phiêng Phát, cây Sâm, tuyến du lịch, huyện Phong Thổ, ẩm thực dân tộc Thái

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập