Tinh hoa cạp váy Mường

Cập nhật: 16/02/2022

VOV4.VN - Di sản văn hóa của người Mường có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực. Từ kiến trúc, ẩm thực, lễ hội, tín ngưỡng, văn nghệ dân gian…Trong đó phải kể đến bộ trang phục của phụ nữ Mường, độc đáo nhất là nơi cạp váy.

Thế giới quan của người Mường trên cạp váy
Trang phục của phụ nữ Mường gồm: áo, váy, thắt lưng người Mường gọi là tênh. Áo ngắn hở tênh và cao váy, bên trong là áo yếm hay được gọi là áo páng, tức áo mặc ở trong và cài ở phía trong, phía sau lưng. Váy Mường có thân váy và cạp váy. Phần thân màu đen, dài đến mắt cá chân. Ở phần chân váy được cạp vải đỏ, để mỗi bước chân của cô gái Mường thêm phần duyên dáng. Cạp váy là điểm nhấn trên trang phục của phụ nữ Mường gồm 3 mảnh gép lại: là rang trên, rang dưới và phần cao nối hai rang với nhau tạo thành một cạp váy hoàn chỉnh.

Phụ nữ Mường duyên dáng trong trang phục truyền thống

Cạp trên rộng khoảng 12cm, dệt bằng tơ có màu đen, trắng với những hoa văn hình học như: hình trám, hình thoi, tam giác. Rang dưới dệt sợi tơ nhuộm màu đỏ, màu vàng. Hoa văn ở rang này phức tạp, sinh động, có các hình động vật, thực vật như cây chu, con rồng, hươu, phượng, nhện, bướm, rùa, công...
PGS.TS Bùi Văn Thành, Viện Giáo dục dân tộc, một người con xứ Mường cho hay: "Cạp váy Mường phần đặc biệt nhất có lẽ là ở rang dưới này. Toàn bộ giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật được thể hiện đầy đủ nhất ở đây. Nếu như rang trên và rang dưới người ta dệt hoa văn chạy theo chiều ngang thì cái cao dệt theo chiều dọc. Phần cao là phần nối giữa rang dưới và rang trên để tạo nên một cạp váy hoàn chỉnh. Phần rang này thường được dệt những màu rực rỡ, rất dễ nhận diện, chủ yếu là màu đỏ, màu vàng, màu xanh".

Nếu một lần nhìn ngắm nữ phục của người Mường, hẳn bạn sẽ ấn tượng bởi sự sáng tạo của nghệ nhân dân gian thể hiện nơi cạp váy. Từ những thứ gần gũi đời thường, đến những thứ dường như chỉ có trong tưởng tượng, họ đều gửi gắm vào mỗi hoa văn trên cạp váy. Đó có khi là hình ảnh con hươu, con nai, ếch, nhái, hình ảnh đoàn người vui lễ hội, đánh cồng chiêng, mái nhà sàn. Cũng có khi đó là hình ảnh hư hư, thực thực của cây chu đồng – loài cây xuất hiện trong sử thi của người Mường, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, chiến thắng thiên nhiên. Hơn 30 mô típ hoa văn được nghệ nhân tạo hình khối, sống động qua từng sợi chỉ màu.

Cạp váy Mường nổi bật trong bộ nữ phục ngày hội

Cần mẫn chăm tằm, nhuộm tơ
Chỉ là một mảnh ghép nơi đầu váy, nhưng để hoàn thiện được chiếc cạp váy này, người phụ nữ Mường phải mất cả tháng trời, thậm chí cả năm. Các nhà nghiên cứu đánh giá, kỹ thuật dệt cạp váy của người Mường là kỹ thuật đỉnh cao.
Đầu tiên phải kể đến kỹ thuật làm sợi. Người Mường là một trong những tộc người có kỹ thuật làm sợi rất sớm. Từ trong thần thoại, những câu chuyện người Mường chăn tằm, ươm tơ, trồng bông, dệt lụa… vẫn được truyền đời cho đến ngày nay. Bà con nuôi tằm quanh năm, ngay cả mùa đông thời tiết không thuận lợi, họ vẫn cần mẫn chăm sóc những lứa tằm, lấy kén, kéo tơ. Và đây là công việc vô cùng vất vả, nặng nhọc của người phụ nữ.
"Tôi rất thấu hiểu điều này bởi vì gia đình tôi, mẹ tôi cũng làm nghề chăn tằm, dệt lụa. Người ta dùng kén cho vào nồi nước, nồi nước đó người Mường sử dụng thêm một số lá cây để tơ dễ được tuốt và đồng thời tơ nó dai. Sau đó người ta đun lên, bên bếp lửa như vậy người phụ nữ sẽ có một cái giàn để kéo sợi ra, người ta sẽ làm công việc đó hàng ngày. Có khi cả ngày người ta chỉ được 1 – 2 bím tơ thôi. Và để có được đầy đủ tơ để dệt cạp váy và áo, hoặc khăn thì họ phải kỳ công. Và họ làm việc đó bằng thủ công nên công việc đó rất vất vả". - Ông Thành tâm sự.
Ngoài chăn tằm, công việc trồng bông của người phụ nữ Mường cũng chẳng nhàn hạ. Từ độ cuốc đất, tra hạt, thu hái được quả bông là một hành trình vất vả. Chờ đợi ròng rã mấy tháng trời, quả bông cho thu hoạch rồi lược vỏ, chọn phần bông trắng, tách hạt, tán bông, phơi nắng. Loại bông tốt mới được dùng để dệt.
Để có một cạp váy rực rỡ, sợi sau khi được kéo sẽ được những nghệ nhân dân gian đem nhuộm màu. Từ lá cây, vỏ cây rừng, từ củ cây mọc dại, đồng bào Mường chế biến thành phẩm màu tự nhiên nhất, nhuộm thành sợi chỉ màu mình ưa thích để dệt cạp váy.
Khi nhuộm, người ta hay nhuộm với nước nóng, thậm chí, thậm chí có những màu phải đun rất nóng. Bà con quan niệm đó là cách các nhựa cây, các màu ăn sâu vào thớ vải để màu nó bền hơn. Tuy nhiên, có những màu để nhiệt độ bình thường. Có trường hợp phải ngâm đến vài ngày, có khi cả tuần để có độ bền cao.Muốn bền, chắc màu phải ngâm, phơi nhiều lần mới có được tấm sợi hoàn chỉnh.
Dệt phối màu đỉnh cao bằng trí tưởng tượng
Để dệt được thổ cẩm, người Mường cần phải dùng đến khung cửi là bộ khung treo sợi được làm từ các thanh tre, nứa, có bàn đạp và co luồn sợi. Hệ thống co chính là mô típ hoa văn người thợ dệt thiết kế trên khung cửi. Để tạo ra đồ án hoa văn, các nghệ nhân phải biết xỏ co.
Xỏ co là nhấc co lên rồi luồn vào các đường chỉ ngang để tạo hoa văn. Cứ một sợi chỉ đưa vào thì có đến 10 động tác nâng lên, hạ xuống nữa trên khung dệt để tạo hình hoa văn. Và tất cả chỉ làm bằng tay.
Tùy vào từng loại hoa văn người dệt nhấc co lên, xuống cho phù hợp. Như hình con rồng có đến 32 co, hình quả trám có 7 co. Khi dệt, họ phải nhấc co theo hình đã chọn để đưa con thoi theo hoa văn đã chọn. Xỏ co là một công việc phức tạp, vậy mà không cần một bản vẽ có sẵn, chỉ bằng những phác họa trong trí tưởng tượng mà các bà, các mế đã dệt nên chiếc cạp váy độc đáo của người Mường.

Đỗ Quyên/VOV4





Từ khóa: cạp váy Mường, dân tộc Mường, cây chu đồng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: hh btct + 2 ảnh

Nguồn tin: VOV4

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập