Tỉnh công nghiệp Đồng Nai không thể mãi chăn nuôi lạc hậu, ô nhiễm
Cập nhật: 19/07/2024
VOV.VN - Đồng Nai là tỉnh phát triển về công nghiệp, bên cạnh đó ở lĩnh vực nông nghiệp thì địa phương này cũng được biết đến là “thủ phủ chăn nuôi” của miền Nam. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai sẽ tiến tới chấm dứt chăn nuôi lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Huyện Thống Nhất là địa phương có nhiều nông hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI tại một số xã như Hưng Lộc, Bàu Hàm 2 và Lộ 25. Những năm gần đây, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi về vấn đề môi trường. Qua đó, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, riêng trong năm 2023 huyện Thống Nhất xử phạt hành chính 105 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 2,1 tỷ đồng.
Ông Phạm Thanh Hùng, ngụ ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đồng tình với chủ trương bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo ông, các nông hộ cũng còn gặp một số khó khăn cần được hỗ trợ: "Chính quyền địa phương cố gắng giúp đỡ, hướng dẫn người nông dân. Công ty phải hỗ trợ, giúp đỡ cho người chăn nuôi gia công với mình, cùng hợp tác với nhau để xây dựng môi trường tốt hơn, đúng quy định pháp luật".
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu 4 công ty gồm: Công ty Cổ phần C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Đồng Nai, Công ty TNHH Sunjin Vina ngưng hoạt động nuôi gia công tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm do chưa được cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường của cơ quan có thẩm quyền cũng như không phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Phải nâng cao giá trị gia tăng
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Thời gian qua, tốc độ phát triển chăn nuôi của tỉnh khá nhanh, mật độ chăn nuôi cũng tương đối dày. Trong thời gian này, người dân và cơ quan báo chí cũng góp phần phát hiện, thông tin để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, nếu đúng vi phạm quy định thì xử lý.
Theo ông Phi, lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên có chỉ đạo đối với các địa phương về việc theo dõi công tác quản lý về môi trường. Các sở ngành với vai trò, trách nhiệm của mình cũng phải theo dõi sát.
"Xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên về việc chấp hành môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi. Chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm dần theo thời gian, tập trung trang trại lớn, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình xử lý chất thải"- ông Phi nói.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời sắp xếp lại trật tự ngành chăn nuôi, cuối tháng 2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định di dời 3.006 cơ sở chăn nuôi (chủ yếu là heo và gà) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Các cơ sở có tên trong quyết định phải di dời hoặc ngưng chăn nuôi theo đúng lộ trình, chậm nhất là trước ngày 31/12/2024.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: Đồng Nai không cấm chăn nuôi nhưng phải đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường. Tỉnh tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm ăn nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ.
Đối với chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi, ông Lĩnh cho biết 1 ha đất đai tại Đồng Nai tạo ra giá trị gấp 10 lần chăn nuôi nên không thể phục vụ chăn nuôi mãi.
" Một trại chăn nuôi 16.000 con heo đóng góp một năm chỉ 240 triệu. Ngoài ra không còn đóng gì khác, trong khi sử dụng 6 ha đất thì làm sao tồn tại được. Mà lại gây ô nhiễm, giá trị gia tăng thấp"- Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai nói.
Định hướng thời gian tới, Đồng Nai sẽ là tỉnh công nghiệp - thương mại dịch vụ. Do đó, việc phát triển chăn nuôi phải đi theo hướng mới, hiện đại, bài bản để trở thành “thủ phủ chăn nuôi” công nghệ cao.
Từ khóa: đồng nai, đồng nai, chăn nuôi, lạc hậu, ô nhiễm
Thể loại: Xã hội
Tác giả: duy phương/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN