Tình cha con khắc khoải qua một bài thơ
Cập nhật: 03/02/2021
(VOV5) -Nỗi nhớ con khắc khoải, se sắt, dồn tụ tháng năm, và bùng nổ, đặc biệt nhức nhối khi Tết đến Xuân về.“Vẫn không xuân được lòng người nhớ con”.
Lan man ngõ Xã Đàn
Sang đường Đặng Văn Ngữ
Lối nhỏ vào trường con
Trắng vẩn vơ hoa cỏ
Bao nhiêu lứa tuổi thơ
Không còn thơ trẻ nữa
Bao nhiêu chốn đợi chờ
Không người chờ đợi cũ
Từ phố Đặng Văn Ngữ
Lan man sang Xã Đàn
Lan man từng sợi tóc
Cứ trắng dần, lan man
Theo từ điển Tiếng Việt, “lan man” là một tính từ, chỉ việc nào đó được thực hiện kéo dài, tiếp nối không mạch lạc, không có hệ thống và trọng tâm. Nói lan man viết lan man ít gây được chú ý, thậm chí còn khiến người khác khó chịu. Khi suy nghĩ lan man, ý nghĩ này chưa qua ý nghĩ khác đã chợt đến, bồn bề, không có điểm đầu điểm cuối. Đi lan man là đi chẳng hướng tới một đích cụ thể. Ở bài thơ nhỏ này, cái sự “lan man” thể hiện qua cả hành động viết, hành động nghĩ, và hành động đi. Viết lan man, nghĩ lan man, đi lan man, nhưng đó là sự lan man bất thường.
Theo nhà thơ Phạm Đức, ông có hai người con, con gái đầu lòng và con trai út. Con trai ông ra nước ngoài từ năm 1996, khi đang học lớp 10. Đến bây giờ anh cũng đã trở thành một người chồng, một người cha, một người đàn ông trưởng thành. Song trong tâm thức của nhà thơ Phạm Đức, con trai vẫn bé nhỏ như ngày nào. Mỗi năm, vào dịp Tết đến Xuân về ông đều làm thơ cho con, lặng thầm gửi nhớ thương vào con chữ.
Ở bài thơ này, từng câu chữ giản dị, mộc mạc, như chắt từ trong tim, từ thẳm sâu tâm thức, từ nỗi nhớ con đến thắt nghẹn lồng ngực, và bộn bề, bộn bề ý nghĩ, niềm thương, sự xa xót, trong một chiều cuối năm, khi xuân mới cận kề, mà lòng người hoang hoải. Bước chân người cha như vô định, vô thức, đi theo hành trình vốn quen thuộc, nhắm mắt lại cũng có thể hình dung cái ngã ba, lối rẽ vào cổng trường, vạt hoa cỏ hai bên đường. Đoạn đường quen thuộc hiện hữu, nhưng hình bóng con, nụ cười con, những kỉ niệm về con lại không thể cầm được ôm được trong vòng tay. Những khoảng trống lộ ra, hun hút “Bao nhiêu chốn đợi chờ/ không người chờ đợi cũ”. Và theo từng nhịp bước, nhịp nghĩ lan man, mái tóc người cha cứ trắng dần, trắng dần, lan từ đầu ngọn tới cuối ngọn, lan từ sợi tóc này đến sợi tóc khác. Một hình ảnh động đặc biệt ám ảnh. Trong khoảnh khắc, người cha như già đi hàng chục tuổi.
Ở một bài thơ khác, nhà thơ Phạm Đức viết:
Tết trong tôi còn buốt mùa đông
Ở nơi con trẻ long đong nẻo trời
Giữa bốn bề san sẻ vui tươi
Vẫn không xuân được lòng người nhớ con
“Tết trong tôi còn buốt mùa đông”, một phần bởi cái lạnh miền Bắc chưa qua, và phần nhiều hơn, là cái lạnh từ xứ trời Âu, nơi con trai của nhà thơ Phạm Đức đang sống. Nỗi nhớ con khắc khoải, se sắt, dồn tụ tháng năm, và bùng nổ, đặc biệt nhức nhối khi Tết đến Xuân về. “Vẫn không xuân được lòng người nhớ con”. Tết với người Việt là Tết đoàn viên. Những giá trị của truyền thống, của văn hóa gia đình được đề cao. Người tha hương xa xứ mong ngày Tết để được trở về sum họp bên mẹ cha, anh em, những người thân thiết. Khi có người san sẻ, niềm vui được nhân lên. Ngược lại, sự cô đơn lạnh giá càng thêm buốt lạnh.
Nhà thơ Phạm Đức bày tỏ: “Thời còn ở bộ đội, hầu như Tết năm nào tôi cũng xa quê. Có năm tôi đi học ở Nga cũng là cái Tết xa quê. Cho nên tôi rất thấm thía những cái Tết như thế, thấm thía tình cảm, thấm thía những bài thơ. Nỗi nhớ quê hương gắn với những hình ảnh rất cụ thể, một mâm cỗ Tết có bánh chưng xanh, có nậm rượu quê nhà, mâm ngũ quả,mùi hương trầm vấn vít... Nỗi nhớ này, những hình ảnh này nằm trong nỗi nhớ lớn hơn, sâu hơn, nhớ về gia đình, sự sum họp, đoàn viên, nỗi khắc khoải hy vọng có những đứa con trở về thăm mình. Tôi không gọi đó là nỗi buồn mà là cái gì đó sâu sắc về cảm xúc của người đi xa và người ở quê hòa quện vào nhau, hướng về nhau”
Trong hành trình sống, hầu hết chúng ta đều trải nghiệm sự xa cách. Có những cách xa để thêm biết ơn sự đoàn tụ, biết ơn những điều giản dị thường ngày. Thấm thía điều này, những tín hiệu phát đi từ trái tim người cha mỗi khi Tết đến Xuân về càng thêm khắc khoải. Mong cho trái tim ấy đừng mệt mỏi. Trái tim ấy cần phải được sưởi ấm, những khát vọng yêu thương cần được đền đáp, trong bốn mùa yêu thương.
Khi nhắc đến những vần thơ xa xứ, cái tình của người xa xứ, nhà thơ Phạm Đức cho rằng: ngậm ngùi: “Ngày xưa nỗi xa xứ thường là ở trong đất nước mình. Còn xa xứ hôm nay, là đến những quốc gia khác. Bao người trẻ rời đất nước từ khi còn nhỏ xíu, ký ức chưa lưu giữ gì nhiều, thì chính người thân của họ ở quê nhà lại mang nỗi lòng nhớ người đi xa. Đó phải chăng cũng là một đặc điểm của cái tình xa xứ thời nay.”
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5