Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam
Cập nhật: 25/09/2019
Bạc Liêu: Báo cáo tiến độ thực hiện tinh gọn bộ máy vào thứ tư hằng tuần
Tinh gọn bộ máy: Cần có chính sách hài hoà cho cán bộ dôi dư
VOV.VN - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho các chiến sĩ quân đội. Người luôn quan tâm đến những vất vả mà họ phải trải qua.
Người cha kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dânkhẳng định, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng nhân hậu, quan tâm đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đến mọi kiếp người Việt Nam. Nhưng Bác đặc biệt quan tâm đến lực lượng vũ trang.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân rưng rưng xúc động khi chia sẻ về tình cảm của Bác dành cho các chiến sĩ quân đội. |
Ngày 22/12/1944, dưới sự chỉ đạo của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 cán bộ, chiến sĩ- tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cũng chính nhờ sự chỉ đạo, dìu dắt của Người, của Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp qua các thời kỳ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cùng với toàn dân làm nên Cách mạng tháng 8/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 và sau đó giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 để tiến lên xây dựng XHCN.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam có được là nhờ tình cảm quan tâm đặc biệt mà Người dành cho các chiến sĩ quân đội với rất nhiều câu truyện hết sức cảm động, trong đó có câu chuyện của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội Không quân Việt Nam ngày 9/2/1067. Ảnh tư liệu |
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân là phi công của quân chủng Phòng không Không quân. Ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, trong đó có một lần vào ngày 20/7/1968. Trong không khí rất nồng ấm và vui vẻ, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân đã đứng dậy và nói rằng: “Bộ đội Không quân rất mong muốn ngày miền Nam giải phóng, Nam-Bắc một nhà sẽ được đưa Bác bằng máy bay vào thăm miền Nam”. Tuy nhiên, Bác đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân trước khi miền Nam được giải phóng.
Dù vậy, chính cuộc gặp này với Bác đã thôi thúc ông Phạm Thanh Ngân phấn đấu trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân chỉ một năm sau đó. Chính ông cũng là người lái máy bay nghiêng cánh vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuần toàn thể nhân dân Việt Nam để tang Bác và trong lễ truy điệu Bác năm 1969 tại Quảng trường Ba Đình.
Một câu chuyện cảm động khác được Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhắc đến là sự quan tâm của Bác đối với lực lượng Phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361, Binh chủng Phòng không-Không quân”. Đây chính là Sư đoàn được thành lập ngày 19/5/1965- đúng ngày sinh nhật lần thứ 75 của Bác. Sư đoàn cũng đã vinh dự được Bác về thăm tới 8 lần.
Một điều hết sức xúc động là ngay cả khi đang ốm nặng, Bác vẫn nghĩ đến các chiến sĩ bộ đội pháo cao xạ đang phải làm việc dưới thời tiết nóng bức và quyết định dành toàn bộ tiền nhuận bút viết báo của Người mua nước cho bộ đội Sư đoàn 361.
Ngày 28/8/1969, khi đang nằm trên giường bệnh, lúc tỉnh dậy, Người vẫn hỏi rằng, hôm nay Mỹ có bắn phá miền Bắc hay không, chúng ta có chiến thắng không? Bộ Tổng Tham mưu báo cáo với Bác rằng “có” và hôm nay bộ đội Phòng không-Không quân và bộ đội pháo cao xạ đã bắn rơi máy bay địch. Bác đã quyết định tặng lẵng hoa của Bác cho Sư đoàn 361. Đó cũng là lẵng hoa cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Sư đoàn 361.
50 năm gìn giữ, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Người
Đáp lại tình cảm đặc biệt mà Bác, Quân đội Nhân dân Việt Nam xác định, việc gìn giữ, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài của Bác là trách nhiệm và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà toàn Đảng, toàn dân giao phó cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong 50 năm qua, dưới sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các chuyên gia Liên Xô trước đây và nước Nga sau này, các lực lượng trong nước, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm đương tốt trách nhiệm được giao.
Đại tá Nguyễn Thanh Hướng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ về trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Đại tá Nguyễn Thanh Hướng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết, vừa qua Hội đồng Khoa học liên quốc gia, gồm các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Nga đã phối hợp đánh giá tình trạng thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, thi hài của người trong 50 năm qua được bảo quản ở trạng thái tốt nhất.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đảm bảo được công tác y tế, hậu cần, phục vụ các hoạt động thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như thường xuyên quan tâm thực hiện việc bảo đảm an ninh, nghi lễ, sẵn sàng chiến đấu.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Thanh Hướng, trong 44 năm kể từ khi mở cửa Lăng (từ ngày 29/8/1975-nay), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp 48 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác. Đáng chú ý, chỉ riêng trong sáng 17/8, đã có tới hơn 15.000 lượt người vào Lăng viếng Bác trong vòng 3 tiếng. Trong dịp Quốc khánh 2/9 nhiều năm trước, con số này có thể lên đến 30.000 người/ngày./.
Từ khóa: Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, gìn giữ thi hài Bác, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Bộ đội Phòng không-Không quân
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN