Tín dụng tiêu dùng: Rủi ro vì lãi suất cao và thả nổi?
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN -Bên cạnh lợi ích của tín dụng tiêu dùng thì loại hình cho vay này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như lãi suất cao, nợ xấu.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong khoảng 20 năm qua, thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh, với quy mô của tín dụng được cung ứng bởi hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến 7,2 triệu tỷ đồng, tương đương 131% GDP tính đến cuối năm 2018.
Trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Qua đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt…
Bên cạnh những lợi ích, tín dụng tiêu dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, tín dụng tiêu dùng mang lại cơ hội cho người dân được tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ trước và trả tiền sau, giúp tối đa hóa việc sử dụng dòng tiền, thu nhập của mình theo thời gian. Tín dụng tiêu dùng không chỉ là tiêu sản, mà còn là tài sản giúp mang lại cơ hội kinh doanh, sản xuất hàng hóa cho người dân và hộ gia đình.
Tín dụng tiêu dùng cho mục đích mua và sửa chữa, mở rộng nhà ở cũng là để tăng tài sản cố định cho các hộ sản xuất kinh doanh, qua đó giúp phát triển khu vực kinh tế quan trọng này.
Hiện nay, các khoản vay để mua nhà và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng (khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng), sau đó đến các khoản vay mua đồ gia dụng, hàng hóa lâu bền, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy (khoảng 15-20%). Điều này cho thấy, tín dụng tiêu dùng có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ mua sắm các tài sản lưỡng dụng của hộ gia đình.
Ở chiều ngược lại, ông Tú cũng chỉ ra những mặt hạn chế của tín dụng tiêu dùng, đó là rủi ro vĩ mô của hệ thống như: lãi suất tăng. Rủi ro này thường ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả lãi và gốc của người đi vay, bởi lãi suất cho vay tiêu dùng thường là lãi suất cao và thả nổi.
Tiếp đến là rủi ro do vay mượn quá mức. Rủi ro này chủ yếu do người đi vay tiêu dùng có kiến thức về đánh giá và phòng ngừa rủi ro ít hơn các doanh nghiệp. Do đó, họ thường đánh giá quá cao khả năng trả nợ và đánh giá quá thấp các rủi ro đối với dòng tiền trong tương lai của mình.
Một rủi ro nữa mà ông Nguyễn Tú Anh chỉ ra là rủi ro “bong bóng”. Kinh tế tăng trưởng tốt, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tiêu dùng cho việc mua sắm nhà, nâng cấp nhà ở tăng. Điều này khiến cho giá nhà đất tăng lên, kích thích người dân vay tiêu dùng để đầu cơ nhà, đất, xây nhà để ở sau đó bán đi để mua nhà khác. Nếu xảy ra trên quy mô lớn sẽ làm “bong bóng” nhà đất tăng lên.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thực tế hiện nay, nhiều khách hàng cho vay tiêu dùng không ý thức được đầy đủ rủi ro nên không trả nợ và lãi đúng kỳ hạn, dẫn tới nợ xấu.
Theo kết quả khảo sát của S&P Global FinLit Survey, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người trưởng thành có hiểu biết về tài chính thấp nhất trong khu vực (24%), trong khi đó Thái Lan là 27%, Indonesia là 32% và Malaysia 36%.
Do đó bà Kim Anh cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục tài chính cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Đồng thời, để nâng cao nhận thức thì phải có tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi nhiều khách hàng có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, ý thức trả nợ kém nên có thể dẫn đến rủi ro.
“Ở Việt Nam, người đi vay chủ yếu là người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, tránh nặng lãi, nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng, trước hết, các tổ chức tín dụng cần có một cơ sở dữ liệu khách hàng tốt, nghiên cứu kỹ nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, phải có hệ thống quản lý nợ khoa học bao gồm: đánh giá cảnh báo sớm, thu hồi nợ chặt chẽ, dứt khoát. Có trích lập dự phòng rủi ro để xử lý trong trường hợp cần thiết”, bà Trần Kim Anh cho hay.
Về phía người đi vay, trước khi quyết định vay tín dụng tiêu dùng thì cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình để giảm những rủi ro không đáng có. Đồng thời, cần trang bị đầy đủ kiến thức để hiểu rõ rủi ro trong các khoản vay, nếu không rất dễ sa vào bẫy nợ nần./.
Từ khóa: tín dụng tiêu dùng, lãi suất cao, nợ xấu, tín dụng, cho vay tiêu dùng,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN