“Tín dụng đen” gây bức xúc nhưng ngành chức năng TPHCM khó xử lý

Cập nhật: 25/09/2019

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM thông tin về vấn đề "tín dụng đen" và thừa nhận là khó xử lý.

Sáng nay (5/12), HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục kỳ họp thứ 12. Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế- xã hội của TPHCM, trước những lo lắng của nhiều đại biểu, cử tri về tình hình tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM đã thông tin về vấn đề này và thừa nhận là khó xử lý.

"tin dung den" gay buc xuc nhung nganh chuc nang tphcm kho xu ly hinh 1
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM.
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, tình trạng "tín dụng đen" cùng với những hệ lụy của nó đang được dư luận nói tới, ở góc độ pháp luật là vi phạm về hoạt động tín dụng do không có chứng nhận của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm về lãi suất vì theo quy định hợp đồng dân sự cho vay không được quá 25% một năm.

Hiện Công an thành phố xác định trên địa bàn có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía Bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã.

Các lực lượng đã lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính về những vi phạm không đáng kể như không đăng ký tạm trú, gây mất trật tự công cộng...Chỉ số ít băng nhóm gây án hình sự bị khởi tố, tạm giam.

Công an thành phố vừa kiểm tra hàng loạt địa bàn quận 6, 8, 9... thu được hơn 20 can chất bẩn của các băng nhóm. Đây là chất dịch thải ra từ các lò mổ, chúng mua về để 10 ngày rồi mới đem đi gây áp lực, đe dọa con nợ để đòi tiền.

Từ năm 2014, Công an TPHCM phát hiện một số đối tượng phía Bắc vào thuê nhà và hoạt động tín dụng trái phép, mỗi tháng gây ra một vụ án hình sự. Hiện nay, con số này tăng gấp 4 lần. Án nhẹ nhất là xâm phạm về chỗ ở, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản; còn nặng hơn là giết người. Chỉ riêng trong năm nay, thành phố có 3 vụ án mạng do thu hồi nợ không được.

Vì sao các đối tượng hoạt động “tín dụng đen" lại có thể lộng hành như vậy? Theo ông Phan Anh Minh, là do ngành chức năng trong xử lý đang vướng một số quy định. Cụ thể là, trước đây, theo Bộ luật Hình sự cũ, gần như không vụ nào có thể khởi tố được vì căn cứ định tội phải "có tính chất bóc lột", "phải có giá trị thặng dư" trong khi các nạn nhân không phải người làm việc cho những người cho vay nên không thể có bóc lột. Từ đó, vì không bị xử lý nặng nên các băng nhóm này hoành hành.

Còn trong Bộ luật Hình sự 2015 vừa có hiệu lực quy định: lãi suất khoảng 8,33% mỗi tháng, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì bị xử lý bằng hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù, nhưng không được tạm giam... Nhưng tội cho vay nặng lãi hiện nằm trong nhóm tội vi phạm tài chính của ngân hàng chứ không phải tội hình sự và hiện nay trong toàn bộ hệ thống luật hành chính không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định…đó là những lỗ hổng khiến xử lý khó khăn.

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các quy định, các luật có liên quan, ông Minh cho biết, Công an TPHCM theo chỉ đạo của Bộ Công an tiếp tục giải quyết những bức xúc này dù bằng những giải pháp... không bằng lòng lắm. Đó là, Công an thành phố đang có kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm, trong đó nội dung chính là đấu tranh với “tín dụng đen"; thứ hai là Công an thành phố đang có đề án về tăng cường chất lượng và hiệu quả của công an phường, xã, một trong những nội dung chính là quản lý được nhân khẩu tạm trú./.

Minh Hạnh/VOV-TPHCM

Từ khóa: Tín dụng đen, vay nặng lãi, tín dụng đen ở TPHCM,

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập