Tìm việc qua mạng xã hội, nhiều người "sập bẫy" với yêu cầu đặt cọc

Cập nhật: 05/01/2024

VOV.VN - Để tránh "sập bẫy" lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Khi vào website tìm việc, mọi người nên chú ý đến phần mô tả công việc phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể mức lương, công việc, địa chỉ công ty, năm thành lập.

Thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ với các công việc mang tính chất nhẹ nhàng, nhưng mức lương được đưa ra hết sức hấp dẫn từ từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay; cắt mác quần áo; cộng tác viên vận đơn; cộng tác viên đánh máy...

Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các bà mẹ nuôi con nhỏ, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm.

Và từ những chiêu trò dụ dỗ này, không ít người với mong muốn tìm kiếm việc nhẹ lương cao, kiếm thêm thu nhập mà đã tin tưởng chuyển khoản đặt cọc cho bên tuyển dụng. Sau khi cọc tiền thì toàn bộ tin nhắn và số điện thoại của bên tuyển dụng hoàn toàn “bốc hơi”.

Chị Ngô Thuỳ L,. cư dân trong một khu đô thị tại địa bàn huyện Văn Giang, Hưng Yên cho biết, cận Tết năm ngoái, do rảnh rỗi, nằm nhà lướt trên facebook, zalo tìm việc làm thêm, Ngô Thuỳ L. được một người tư vấn công việc khá đơn giản là nhận quần áo về cắt chỉ. Thấy công việc dễ làm, lại chủ động được thời gian, chị L., đồng ý. Sau khi gửi cho chị bản mô tả công việc cần làm, các đối tượng yêu cầu chị đặt cọc 2.000.000 đồng để lấy hàng. Không nghi ngờ gì, chị L,. chuyển khoản. Sau 2,3 ngày không thấy hồi âm, chị L,. vào lại facebook thì thấy các đối tượng đã xoá và chặn tin nhắn của mình. 

Không chỉ chị L,. mà thời gian gần đây, đã có rất nhiều nạn nhân của hình thức lừa đảo này với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Theo các chuyên gia, đây là chiêu thức quen thuộc của những kẻ lừa đảo. Nguy hiểm hơn, chúng có thể lôi kéo ứng viên làm những công việc thanh toán các đơn hàng ảo hay biến tướng đa cấp, thậm chí là vi phạm pháp luật. Chưa kể, việc làm thêm không có hợp đồng lao động, mọi giao dịch đều thông qua mạng xã hội cũng khiến người tìm việc trở thành những nạn nhân đáng thương.

Luật sư Phan Kế Hiển, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích, chỉ trong một thời gian rất ngắn, thậm chí các trang web này sẵn sàng bị sập. Nếu trang web bị sập thì trên đó không còn tài liệu, chứng cứ nữa. Các nạn nhân  mất dấu vết, cũng không biết đối tượng lừa mình cư trú ở đâu để làm đơn tố giác.

Thực tế cho thấy, các nạn nhân bị lừa qua trang này thường rất nhỏ, chỉ vài trăm nghìn, đến một vài triệu nên họ thường chấp nhận rủi ro, không muốn lên tiếng, không muốn làm đơn đến cơ quan công an để đòi lại quyền lợi cho mình. Số tiền của mỗi người tuy ít nhưng cộng lại nhiều người thì những kẻ lừa đảo đã kiếm được một số tiền kha khá. 

Theo luật sư Hiển, để tránh sập bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Khi vào website tìm việc, mọi người nên chú ý đến phần mô tả công việc phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể mức lương, công việc, địa chỉ công ty, năm thành lập. Về mặt nội dung, khi đọc một quảng cáo mô tả công việc phải có đầy đủ nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên, nên xem những yêu cầu công việc có phù hợp với vị trí công việc đó không, rồi tìm kiếm công ty đó trên nhiều trang thông tin khác. 

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thời gian gần tết, người tìm việc rất nhiều. Tuy nhiên người đi xin việc cần chú ý.

Thứ nhất, không có việc nhẹ lương cao. Điều đó, chắc chắn không có. Thứ hai khi tìm kiếm vị trí việc làm, công việc cụ thể, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, nhu cầu tuyển dụng, đánh giá vị trí việc làm, các yêu cầu về việc làm như thế nào. Qua đó, người tìm việc cần tham gia phỏng vấn, trao đổi với nhà tuyển dụng. Những công việc mang tính thời vụ này, chắc chắc không có yêu cầu đặt cọc, nên người ứng tuyển cần tìm hiểu kỹ.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Từ khóa: việc làm, việc làm, lừa đảo, lừa đảo việc làm tết nguyên đán

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập