Tìm hiểu cơ hội tại thị trường Hồi giáo bằng tiêu chuẩn Halal
Cập nhật: 24/08/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Thị trường các nước Hồi giáo hiện có hơn 2 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 2,8 tỷ người vào năm 2030, chiếm 30% dân số thế giới. Theo đó, ngành công nghiệp Halal (cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn cho người Hồi giáo) có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao.
Tổng giá trị trao đổi thương mại sản phẩm Halal toàn cầu lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, tập trung vào các lĩnh vực chính như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, truyền thông và giải trí.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu nông, thủy sản với tiêu chuẩn cao sang thị trường Halal toàn cầu. Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam mang tính bổ sung đối với thị trường các nước Hồi giáo; có điều kiện tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Nhằm tiếp cận và khai thác thị trường này, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và nhiều địa phương trong cả nước đã và đang đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng của thị trường Hồi giáo đến doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham gia hiệu quả thị trường tiềm năng này.
Do vậy, việc đào tạo tiêu chuẩn Halal là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định tôn giáo và pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tăng cường danh tiếng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Hồi giáo, việc hiểu và thực hiện đúng các tiêu chuẩn Halal trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại Chương trình đào tạo “Nhận thức tiểu chuẩn Halal” cho các doanh nghiệp diễn ra sáng 24/8 tại Hà Nội, ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam, nhấn mạnh chứng nhận Halal không chỉ đơn thuần là một con dấu trên sản phẩm mà còn là biểu tượng của sự cam kết với chất lượng và sự tôn trọng đối với nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Abbas, trong thời gian qua, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ Halal trên toàn thế giới không chỉ là một dấu hiệu rõ ràng cho sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo mà còn là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để mở rộng thị trường.
“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội, nơi việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal không chỉ là trách nhiệm tôn trọng các giá trị tôn giáo mà còn là cơ hội để mở rộng thị trường và phát triển kinh doanh bền vững”, ông Abbas nói.
Thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng trong tương lai.
Hiện nay, hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%) nhất là trong khối ASEAN, riêng Indonesia có tỷ trọng lớn dân số theo đạo hồi.
Từ khóa: hồi giáo, thị trường hồi giáo, tiêu chuẩn halal, sản phẩm halal, người hồi giáo
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: lê hoàng/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN