Tìm giải pháp trong kiến trúc ứng phó với sạt lở đất

Cập nhật: 11/12/2020

VOV.VN - Người dân có thể sống chung an toàn với bão, lũ nếu nhờ các giải pháp xây dựng công trình; còn riêng với lũ quét, sạt lở đất, giải pháp thông minh là phải né tránh, di chuyển ra khỏi khu vực sạt lở đến khu tái định cư an toàn.

Những trận bão, lũ, sạt lở đất liên tiếp xảy ra trong tháng 9 và 10 vừa qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại khu vực miền Trung. Làm sao để người dân sống an toàn, tránh được thảm họa thiên tai là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Kiến trúc ứng phó với thiên tai” do Viện Kiến Trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức chiều nay (11/12) tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm, mô hình về phòng tránh thiên tai an toàn như: Khu dân cư vượt lũ, nhà tránh lũ, nhà chống bão… Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là làm sao tránh được thảm họa rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét? Giáo  sư - Tiến sỹ - Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông cho rằng, cần xem xét khả năng phòng chống để sống chung với thiên tai. Đối với bão, lũ có thể sống chung an toàn nhờ các giải pháp xây dựng công trình, riêng với lũ quét, sạt lở đất, giải pháp thông minh là phải né tránh, di chuyển ra khỏi khu vực sạt lở đến khu tái định cư an toàn. Theo ông Nguyễn Quốc Thông, để làm được điều này cần đánh giá chính xác chi tiết bản đồ hiện trạng sạt lở đất và đưa ra cảnh báo sớm.

Ông Thông nói: “Các nhà khoa học phải tính toán, lập bản đồ dữ liệu về vùng nguy cơ, mình dứt khoát phải khuyến cáo. Thí dụ, bà con đã trót làm nhà ở vùng sườn đồi rơi vào nguy cơ, có thể ngày xưa thì không, bây giờ rơi vào địa điểm có nguy cơ cao thì phải khuyến cáo và tìm cách hỗ trợ cho bà con để di chuyển đi. Chỉ có giải pháp duy nhất là phải biết rõ nguy cơ sạt lở.”

Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Viện Trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng cho rằng, quy hoạch xây dựng là công tác rất quan trọng, góp phần hạn chế rủi ro thiên tai. Lâu nay, các quy định, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng đều được khuyến cáo cụ thể, nhưng việc quy hoạch phòng tránh lũ quét và sạt lở đất ở miền Trung lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, những người làm công tác quy hoạch, kiến trúc cần quan tâm vấn đề này.

Theo ông Lưu Đức Cường, đối với vùng thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần phải điều tra, đánh giá và xác định vùng khả năng xảy ra rủi ro để đưa ra cảnh báo sớm và xây dựng các điểm dân cư mới an toàn: “Với lũ quét và sạt lở đất, quan điểm của tôi là tập trung vào giải pháp qui hoạch. Nếu chỗ đấy nhận thấy có rủi ro hoặc không thuận lợi thì tuyệt đối không dựng nhà ở đấy mà tìm chỗ khác. Còn các giải pháp công trình thì giảm thiểu tác động thì có nhưng rất hạn chế, vì khối lượng đất đá lớn như thế thì không có công trình nào có thể chống đỡ được. Các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng chống sạt lở đất cũng như trong thiết kế công trình cần tiếp tục hoàn thiện./.”

Từ khóa: nhà chống lũ, giải pháp phòng chống bão, lũ, sạt lở, phòng chống thiên tai, sống chung với lũ, không thể sống chung với sạt lở

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập