Tìm giải pháp phát triển chuỗi tôm hùm bền vững ở Nam Trung Bộ

Cập nhật: 18/08/2023

VOV.VN - Ngành thủy sản đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 duy trì sản lượng 3.000 tấn/năm, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu phải tăng gần gấp đôi so với hiện tại. 

Tại khu vực Nam Trung bộ, tôm hùm là loại thủy sản đem lại nguồn thu trung bình từ 1.500 đến hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Mặc dù đem lại giá trị xuất khẩu lớn, nhưng đến thời điểm này, tôm hùm vẫn chỉ xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch và chưa hề có cơ sở chế biến.

Thống kê của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm được giá, lên mức 2,2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này lại luôn bấp bênh, bởi sản lượng tôm hùm hàng năm cũng không ổn định. Hiện nay, tôm hùm hiện chỉ xuất khẩu tươi bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 75-90%, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Thị xã Sông Cầu, một trong những vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên nhưng hiện tại người nuôi tôm hùm cũng chỉ biết xuất bán cho thương lái tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Ông Phan Văn Tỏ, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, dân nuôi tôm cần HTX đứng ra làm quy trình xuất khẩu chính ngạch, tư nhân không ai dám đứng ra bao tiêu để xuất khẩu chính ngạch. Giá tôm vẫn bấp bênh vì thời gian qua giá giảm người nuôi bắt bán, sau đó giá lại lên.

Tôm hùm chưa được chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng, nên không khai thác được tối đa giá trị sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, bất cứ nghề nuôi nào cũng cần coi trọng con giống, tiếp đến thức ăn, công nghệ nuôi và điều quan trọng nhất là thị trường. Muốn có thị trường ổn định phải có khâu chế biến, kèm theo là công tác quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Theo TS. Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, trong nuôi tôm phải có được quy trình xuyên suốt từ khâu con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, phòng trừ dịch bệnh và đến cuối cùng là truy xuất được nguồn gốc, để tạo ra được sản phẩm có chất lượng, tạo sự tin tưởng cho khách hàng 

Ngành thủy sản đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ không tăng nóng diện tích nuôi tôm hùm, duy trì sản lượng 3.000 tấn/năm, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu phải đạt 200 triệu USD/năm, tức là tăng gần gấp đôi so với hiện tại. Vì vậy, triển khai hiệu quả những giải pháp phát triển chuỗi tôm hùm bền vững là điểm mấu chốt để thực hiện được mục tiêu này.

Từ khóa: tôm hùm, thủy sản, xuất khẩu, chính ngạch, bền vững

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: ctv nhã uyên/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan