Tiktok vượt khó trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung

Cập nhật: 15/09/2020

VOV.VN - Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp hai nước tại quốc gia của nhau.

Một ngày trước thời hạn chót mà chính quyền Mỹ đặt ra, ByteDance - công ty chủ quản của ứng dụng chia sẻ video Tiktok đã quyết định hợp tác với Oracle – một công ty phần mềm của Mỹ. Giải pháp cứu vãn tình thế này được cho vừa giúp ứng dụng Tiktok tiếp tục hoạt động tại Mỹ, vừa làm hài lòng Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các bên liên quan ngay lập tức có phản hồi về thông tin trên.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp hai nước tại quốc gia của nhau. Sau Huawei, Biden là một minh chứng cụ thể cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp tại nước sở tại.

Trước thời hạn chót mà phía Mỹ đặt ra, yêu cầu Tiktok phải bán toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng này tại Mỹ trước ngày 15/9 nếu không sẽ bị cấm hoạt động, Bai-đan - công ty chủ quản Tiktok hôm qua đã có một quyết định gây bất ngờ: “hợp tác với Oracle” – một công ty phần mềm của Mỹ thay vì bán đứt hoạt động cho công ty này.

Giới chuyên gia công nghệ đã đánh giá cao quyết định của Bai-đan. Bởi giải pháp cứu vãn tình thế này được cho sẽ giúp ứng dụng Tiktok tiếp tục được hoạt động tại Mỹ mà không làm “mất lòng” Chính phủ Trung Quốc sau khi mới đây Trung Quốc ban hành quy định mới nhằm ngăn chặn ByteDance bán tài sản của TikTok tại Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ cũng lên tiếng xác nhận đã nhận được đề xuất đấu thầu của Oracle đối với các hoạt động của ứng dụng TikTok tại Mỹ. Trong một thông báo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết một ủy ban thuộc Chính phủ Mỹ, chuyên đánh giá những quan ngại an ninh quốc gia liên quan tới các giao dịch nước ngoài, sẽ giám sát và đánh giá đề xuất trên trong tuần này. Sau đó, Bộ Tài Chính sẽ tham vấn và cùng Tổng thống Donald Trump thẩm định đề xuất. Các chuyên gia của bộ trên cũng sẽ làm việc với Oracle về đề xuất này trong những ngày tới.

Về phía Trung Quốc, trong cuộc họp báo diễn ra ngày 14/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từ chối bình luận về quyết định của ByteDance song kêu gọi phía Mỹ tạo môi trường kinh doanh quốc tế công bằng, cởi mở và không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc.

“Quyết định bao vây cô lập mà Tiktok đang phải đối mặt với Mỹ là trường hợp điển hình của hành động cưỡng ép của Chính phủ Mỹ đối với doanh nghiệp nước ngoài. Một mặt, giới chính trị Mỹ luôn rảo giảng về lý tưởng xây dựng một môi trường công bằng và bình đẳng cho doanh nghiệp. Mặt khác, dù không có bằng chứng gì, họ lại khái quát lên khái niệm an ninh quốc gia và sử dụng quyền lực nhà nước để cưỡng ép và đối phó thẳng tay với các doanh nghiệp nước ngoài đi đầu trong các lĩnh vực đặc biệt. Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Mỹ mang lại môi trường công bằng, tự do và không phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Mỹ”, ông Uông Văn Bân nhấn mạnh.

Ứng dụng Tiktok đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới. Thời gian qua, TikTok đã lọt vào “tầm ngắm” của giới chức Mỹ với lý do quan ngại về an ninh quốc gia./.

Từ khóa:

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập