Tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL: Day dứt sau những lần “giải cứu”

Cập nhật: 25/09/2019

Cần có tầm nhìn và thích ứng ra sao trong sản xuất và tiêu thụ để lúa gạo không còn phải “giải cứu” như những năm qua.

Làm thế nào để nông dân ĐBSCL không còn phải chịu nhiều thiệt thòi trong chuỗi giá trị lúa gạo? Cần có tầm nhìn và thích ứng ra sao trong sản xuất và tiêu thụ để lúa gạo không còn phải “giải cứu” như những năm qua? Nhóm phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực ĐBSCL có loạt bài: Thích ứng “kép” để sản xuất, tiệu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL”.

Bài 1:Day dứt sau những lần “giải cứu”

tieu thu lua gao ben vung o dbscl: day dut sau nhung lan "giai cuu" hinh 1
Lúa gạo ở ĐBSCL vẫn chưa thật sự là ngành hàng phát triển bền vững.

Giăng mùng nằm tại ruộng lúa đợi thương lái thu mua đã ba đêm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mai - ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang như ngồi trên đống lửa. Hàng chục tấn lúa đóng bao hoàn chỉnh, giá giảm sâu, nhưng vẫn phải bán để có tiền đầu tư gieo trồng vụ mới.

Ông Mai cho biết, gần hai chục năm qua, giá lúa lên xuống thất thường, và những người nông dân ít thông tin như vợ chồng ông, thì câu chuyện “giải cứu” đã “nghe tới, nghe lui hoài” nên không còn xa lạ. Mong muốn của vợ chồng ông là giá lúa ổn định để nông dân trong vùng không còn phải ngóng chờ “giải cứu”.

Cách đây 9 năm, vào tháng 3/2010, giá lúa giảm sâu, chất đống ven đường, rất khó bán. Tiếp đó hai năm (2011- 2012) lũ lớn tràn về, sản lượng và chất lượng giảm khiến giá lúa bấp bênh.

Đúng 5 năm trước, vào tháng 3/2014, giá lúa ở ĐBSCL cũng “rớt mạnh” khi đang vào vụ thu hoạch. Sau đó Chính phủ chủ trương “giải cứu” bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp cấp tốc mua 1 triệu tấn gạo để tạm trữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mua tạm trữ cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, hàng chục hội nghị “giải cứu lúa gạo” liên tục được tổ chức từ Trung ương tới địa phương. Trước khi nêu kiến nghị, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đặt câu hỏi: Làm thế nào để Chính phủ, các bộ, ngành cùng địa phương và hiệp hội không phải tổ chức hội nghị bàn cách “giải cứu” lúa gạo nữa.

“Về lâu dài, chúng tôi đề nghị chủ động xây dựng đề án, kế hoạch để chủ động hơn trong việc các trả lời câu hỏi: sản xuất vào lúc nào, sản xuất bao nhiêu và bán cho ai là phải có kế hoạch hết sức cụ thể. Chứ còn sản xuất tự phát như hiện nay thì chúng tôi nghĩ vấn đề giải cứu sẽ còn tiếp tục”, ông Lê Tiến Châu nêu ý kiến.

Thực tế cho thấy, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, trong khi các hình thức tổ chức liên kết nông dân như cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới chưa phát triển, chưa thu hút đa số nông dân.

Ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho biết: 2 năm gần đây trước khi vào vụ sản xuất, Liên minh HTX làm cầu nối đưa doanh nghiệp xuống các HTX để thương lượng mua lúa cho bà con, nhưng chỉ có hơn 50% HTX đồng ý hợp tác với doanh nghiệp và chỉ có 211 trong tổng số 289 HTX đồng ý liên kết bao tiêu. Thậm chí có những nơi, chính quyền xã gây khó, đòi hỏi phải chi hoa hồng khi kết nối doanh nghiệp, vì vậy người dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau, bởi tư duy và thói quen cũ.

“Đa số bà con đồng ý nhưng khi về nhà suy nghĩ lại, đi họp lại không đăng ký nữa. Dân chuộng nhất là đặt cọc bằng tiền, còn bao tiêu luôn cả phân bón thì dân không chịu vì họ đã quen mua ở đại lý, khi cần có thể đến mượn được tiền. Hiện nay người dân cũng muốn hợp tác với doanh nghiệp nhưng lại ngán ngại với quy trình sản xuất hay sử dụng phân bón hữu cơ chưa quen nên dân ngán ngại không dám làm. Khi sản xuất lúa theo yêu cầu của doanh nghiệp người dân cũng chưa quen mà chỉ sản xuất những giống lúa người dân đã quen rồi”, ông Thế cho hay.

Việc phải “giải cứu” lúa gạo một phần là do sự liên kết lỏng lẻo, thiếu niềm tin lẫn nhau giữa HTX với doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo từ thương lái không liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu thấp do doanh nghiệp thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.

tieu thu lua gao ben vung o dbscl: day dut sau nhung lan "giai cuu" hinh 2
Nhiều hội thảo phát triển lúa gạo được tổ chức liên tục ở ĐBSCL.

Dẫn câu chuyện chất lượng gạo Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kể: trước Tết nguyên đán vào miền Tây công tác, “thấy gạo ST 24 của Sóc Trăng chất lượng cao, mỗi cán bộ, nhân viên của Vietcombank đăng ký mua 10 kg, riêng trụ sở chính mỗi người mua 25kg với giá 60.000 đồng/kg cả công vận chuyển. Thấy gạo ngon, sau Tết ai cũng đặt mua tiếp, nhưng không đủ để bán”.

Theo ông Thành, cần thiết phải đầu tư thêm diện tích trồng lúa chất lượng cao và xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu quốc gia của Việt Nam vừa dễ bán, vừa đem lại giá trị cao hơn và không cần “giải cứu”.

“Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nội dung không phải là thúc đẩy sản xuất mà cơ cấu lại sản xuất thì đúng hơn. Có cần bổ sung gì chiến lược không? Bây giờ chiến lược là đi vào chất lượng, như trong báo cáo là chúng ta chưa có thương hiệu gạo xuất khẩu quốc gia. Mình đứng thứ ba thế giới về sản lượng mà chưa có thương hiệu gạo xuất khẩu quốc gia thì bây giờ phải xây dựng”, ông Thành nói.

Do chưa có thương hiệu gạo xuất khẩu quốc gia và chất lượng chưa đồng đều nên giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn gạo Thái Lan. Thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong vòng 7 năm (từ 2012 đến 2018), thì có 6 năm thấp hơn giá gạo Thái Lan, thậm chí có năm thấp hơn tới 140 đô la Mỹ/ tấn. Đối với loại gạo 25% tấm cũng tương tự, 6 năm đều thấp hơn trên dưới 100 đô la Mỹ/ tấn. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar và Pakistan có nhiều loại gạo chất lượng vượt trội nên cạnh tranh rất gay gắt.

Sản xuất chưa theo nhu cầu thị trường cũng là một trong những nguyên nhân phải “giải cứu”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, hiện chúng ta quá tập trung vào thị trường truyền thống. Khi thị trường này gặp khó khăn, các doanh nghiệp không xoay xở kịp và không biết bám vào thị trường nào.

Ông Nam kể: Mới đây tại một cuộc triển lãm hàng nông sản ở Dubai (Các Tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất - UAE), đến gian hàng nào người ta cũng chào ba mặt hàng gạo Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ mà không ai chào bán, giới thiệu gạo của Việt Nam. Có nghĩa là gạo Việt Nam chưa có chỗ đứng, chưa được biết đến ở thị trường này./.

Nhóm PV/VOV-ĐBSCL

Từ khóa: tiêu thụ lúa gạo, sản xuất lúa gạo, ĐBSCL, giải cứu lúa gạo, giá lúa gạo,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập