Tiêu chí nào để mở cửa trường học an toàn?
Cập nhật: 07/10/2021
Bắt cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo nhiều tỷ đồng
Bắt giữ các đối tượng tàng trữ, mua bán pháo nổ trái phép tại TP.HCM
[VOV2] - Cần phải làm gì để mở cửa trường học đón học sinh an toàn khi mà việc theo đuổi mục tiêu zero F0, zero Covid được cho là không thể; khi mà vaccine cho trẻ em vẫn còn là câu chuyện phải tính toán?
Mong mỏi đến trường song hành cùng nỗi lo
“Con muốn đến trường lắm rồi, học online ở nhà mãi chán lắm”
“Ngày nào cũng học online 5 tiết, rất mỏi mắt và oải, lại không được gặp thầy gặp bạn nên buồn”
“Suốt ngày học một mình với cái máy tính, con chỉ muốn đến trường gặp bạn bè, thầy cô”
Muốn đến trường - đó là hiện trạng của hàng triệu học sinh hiện nay. Mong ước hoàn toàn chính đáng và tưởng như quá giản đơn, song lại là điều không thể lúc này khi dịch Covid-19 vẫn đang là nỗi bất an với toàn xã hội. Không chỉ các em học sinh háo hức được quay trở lại trường mà các bậc phụ huynh cũng không kém phần mong ngóng.
Mong ngóng, háo hức là thế nhưng cũng còn canh cánh những nỗi lo: “Nếu chẳng may có 1 học sinh là F0 thì lây lan rất nguy hiểm. Mà ở trường thì khó có đủ điều kiện để phát hiện F0, khi phát hiện ra thì có thể đã lây lan sang rất nhiều người khác rồi” - Chị Bùi Anh Đào, một phụ huynh ở Hà Nội lo lắng.
Tiêu chí nào để mở cửa trường học an toàn?
Sau một thời gian dài buộc phải tạm đóng cửa trường học để siết chặt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 và chuyển sang hình thức học trực tuyến (với phương châm “ngừng đến trường, nhưng không ngừng học tập”), giờ là thời điểm nhiều tỉnh, thành trong cả nước lên kế hoạch sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Có thể nói việc đảm bảo môi trường học tập, sinh hoạt an toàn cho giáo viên, học sinh đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền, ngành giáo dục và y tế các địa phương, trong bối cảnh cả nước dần thiết lập trạng thái bình thường mới, sống chung với dịch. Nhiều địa phương đã lên kế hoạch một cách cụ thể, chi tiết, đồng thời đưa ra những tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Các tiêu chí đều được tính toán làm sao đảm bảo an toàn cho thày và trò, cả trước, trong và sau khi học sinh đến trường. Như các tiêu chí về đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế trường học… Hay các tiêu chí liên quan đến các hoạt động tư vấn tâm lý học đường, tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên, học sinh về quy trình phòng, chống dịch cũng như xây dựng phương án xử trí đối với các trường hợp nghi mắc Covid-19 trong trường học. Bảo đảm 100% cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà. Bảo đảm 100% học sinh mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ…
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các tiêu chí dù đã khá đầy đủ, somg thiếu một tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất đó chính là: “trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt những dấu hiệu lâm sàng sớm của con mình để ngăn chặn từ sớm và từ xa F0 xuất hiện trong trường học”.
Vaccine + 5K + ý thức là lá chắn hữu hiệu trong bối cảnh phải sống chung với Covid-19. Thế nhưng, BS Nguyễn Trọng An cho rằng, điều đó chỉ đúng với cộng đồng nói chung, người lớn nói riêng: “Tôi là bác sĩ Nhi khoa, nhiều năm trải qua công tác điều trị cho trẻ em thì với trẻ em dưới 12 tuổi, vaccine chưa phải là yếu tố quyết định bởi theo các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 rất thấp, chỉ chưa đến 1,4% và tỷ lệ tử vong thì thấp hơn rất nhiều. Ở đây quan trọng nhất là chúng ta phải chú ý đến công tác truyền thông cho đúng. Đối với học sinh, trẻ em công thức sẽ được đổi lại thành 5K+ ý thức + kiến thức, kỹ năng”.
Cũng có 1 số ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta chưa thể tiến về tình trạng zero F0, zero Covid, cũng chưa có vaccine cho trẻ em thì việc cần làm để đảm bảo an toàn cho học sinh là phải tiến hành test nhanh định kỳ tại các trường học. Tuy nhiên, BS Nguyễn Trọng An lại không đồng tình với phương án này. Ông cho rằng điều đó là không cần thiết và rất lãng phí. “Bởi thực tế vừa qua việc test nhanh đại trà đã có tới gần 30% dương tính giả. Nếu ở trường học mà xảy ra các trường hợp dương tính giả sẽ gây sang chấn tâm lý cho học sinh, thậm chí nảy sinh các vấn đề sức khỏe tâm thần mà chúng ta không thể lường trước được” - BS Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.
Cũng theo BS Nguyễn Trọng An, việc mở cửa trường học đón học sinh trở lại là hết sức cần thiết, nhưng không nên mở đồng loạt mà cần mở từ từ, an toàn đến đâu mở đến đó và phải có một lộ trình rõ ràng. Ví dụ mở theo vùng an toàn (vùng xanh), hoặc trước mắt có thể đón các học sinh cuối cấp để phục vụ cho việc thi cử, sau mới đến các lớp học, bậc học khác. Bên cạnh đó cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa y tế địa phương với trường học để có sự can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu dịch bệnh.
Có thể dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, có thể chúng ta sẽ còn phải chung sống lâu dài với dịch, song đã đến lúc cần phải lên kế hoạch cho một kịch bản mở cửa đón học sinh trở lại trường. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện an toàn trường học từ phía các cơ quan chức năng, thì cha mẹ, nhà trường, thầy cô cần dạy kỹ năng phòng chống dịch cho học sinh để đảm bảo an toàn tối đa, tránh nguy cơ dịch lây lan trong trường học. Chỉ khi mọi tiêu chí được đảm bảo thì giấc mơ trở lại trường học mới trở thành hiện thực trong thời gian gần nhất.
Mời nghe âm thanh tại đây:
Từ khóa: an toàn trường học, bác sĩ Nguyễn Trọng An, học sinh, trẻ em, vaccine cho trẻ em, ngăn chặn F0 trong trường học, trách nhiệm cha mẹ học sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2