Tiêu chí “2 giảm, 3 cao” hút đầu tư vào công nghiệp hiệu quả

Cập nhật: 27/12/2019

VOV.VN - Dự án công nghiệp phải giảm sử dụng đất đai và lao động, tăng hàm lượng công nghệ, năng suất lao động và tăng đóng góp ngân sách nhà nước.

Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019, khu vực công nghiệp ước tăng khoảng 8,9% đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng khá cao, thể hiện tính gia công trong ngành công nghiệp ngày càng giảm, tỷ lệ nội địa hóa, khả năng chủ động tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước của một số ngành trong sản xuất chế biến đang dần được nâng cao.

Tranh thủ lợi thế thu hút đầu tư

Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm ước tính tăng9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng (ước tăng 10,5% so với năm 2018), phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và là tiền đề tốt cho mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 sẽ tăng từ 9% - 10% so với năm 2019.

Từ câu chuyện của ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về phát triển công nghiệp cho thấy, xác định phát triển công nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tranh thủ phát huy lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

cong nghiep ho tro chua co su ket noi giua khu vuc fdi va khu vuc trong nuoc hinh 1
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Đặc biệt, trong năm 2019 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra Chiến lược phát triển công nghiệp đến 2030 và định hướng đến 2035. Trong đó có ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo cũng như công nghiệp điện tử.

“UBND tỉnh đã đưa ra các tiêu chí “2 giảm, 3 cao” để lựa chọn các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, 2 giảm là giảm sử dụng đất đai; giảm sử dụng lao động; 3 cao gồm công nghệ cao, năng suất lao động cao và đóng góp cao cho ngân sách nhà nước. Bắc Giang đã quan tâm xét chọn, lựa chọn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI để phòng tránh việc chuyển dịch công nghệ lạc hậu hoặc lẩn tránh xuất xứ hàng hóa vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến môi trường và phát triển kinh tế”, ông Thái cho biết.

Với những nỗ lực kể trên, ông Thái cho biết, kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những năm qua luôn đạt kết quả tích cực, thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang luôn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước. Bắc Giang là địa bàn được các nhà đầu tư biết đến và là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư. Nhờ đó mà tăng trưởng công nghiệp của tỉnh Bắc Giang luôn tăng trường cao từ 28%- 30 %/năm và đóng góp trên 85 % trong tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh.

Cần có định hướng về chính sách công nghiệp

Mặc dù đã có 6 khu công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%, nhưng hiện nay tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành Đề án đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép được bổ sung thêm 2 khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang trong năm 2020. “Để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư, Bắc Giang mong muốn Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm đầu tư hạ tầng lưới điện để phục vụ cho sản xuất công nghiệp”, ông Thái đề xuất.

Để phát triển hơn nữa nền công nghiệp Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi của cuộc CMCN 4.0, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng mong muốn, Bộ Công Thương cần tăng cường, tập trung cho việc xây dựng chính sách công nghiệp.

“Bộ Công Thương đang đóng vai trò định hướng chính sách công nghiệp mà trong đó công nghiệp có thể định hướng, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế nhà nước. Mặc dù Bộ Công Thương thời gian qua đã tập trung nhiều cho nhiệm vụ này, nhưng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhiều năm qua vẫn chưa thành công”, ông Lộc nhận xét.

Chính vì thế theo ông Lộc, việc thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa kết nối được với khu vực doanh nghiệp trong nước, khiến các doanh nghiệp chưa tạo ra được giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp. Và khi giá trị sản phẩm công nghiệp chưa cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không thể phát triển được.

“Cần có động lực mới cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới và điều này phụ thuộc rất lớn vào vai trò “cầm lái” của Bộ Công Thương. VCCI đề nghị Bộ Công Thương tập trung hơn nữa vào chức năng này, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp với sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu có hiệu quả hơn”, Chủ tịch VCCI nêu rõ./.

Từ khóa: phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư công nghiệp, chính sách công nghiệp, giá trị gia tăng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập