Tiết lộ "kỳ phùng địch thủ" của F-16 mà Nga sử dụng ở Ukraine

Cập nhật: 21/08/2024

VOV.VN - Tiêm kích Su-30SM2 của Nga được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với các đối thủ như F-16 của Ukraine. Ngoài ra, vào tháng 5/2024, Su-30SM2 lần đầu tiên mang tên lửa không đối không tầm xa R-37M đầy uy lực.

Giữa bối cảnh sự chú ý đổ dồn vào các tiêm kích F-16 mới được chuyển cho Ukraine, truyền thông Nga đã đưa tin về việc lực lượng không quân nước này sẽ nhận được lô tiêm kích Su-30 mới được nâng cấp, hay còn gọi là Su-30SM2.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin, Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) thông báo, các tiêm kích Su-30SM2 đa nhiệm tiên tiến đã được sản xuất và cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga, cụ thể là lực lượng không quân.

Các tiêm kích mới này, được Nhà máy Hàng không Irkutsk phát triển - một công ty con của UAC và là một phần của tập đoàn nhà nước Rostec, đã thành công hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và trên không trước khi được triển khai.

Việc chuyển giao trên đánh dấu lô tiêm kích Su-30SM2 đầu tiên được cung cấp trong năm 2024, Tass đưa tin. Trong khi số lượng chính xác tiêm kích trong lô vận chuyển này chưa được tiết lộ thì các video được phát trong cuộc họp báo của UAC cho thấy ít nhất 2 đơn vị đã được cung cấp.

Đoạn video trên cũng ghi lại một trong những tiêm kích Su-30SM2 đang hoạt động, cho thấy nó cất cánh và thực hiện chuyến bay.

UAC cho biết, Nhà máy Hàng không Irkutsk đã đáp ứng thành công mục tiêu sản xuất các tiêm kích mới này như một phần trong đơn đặt hàng quốc phòng của nhà nước.

Hiệu quả chiến đấu của tiêm kích Su-30SM2

UAC nhấn mạnh, Su-30SM2 là phiên bản tiên tiến của tiêm kích Su-30 hiện đang hoạt động trong lực lượng không quân Nga. Các tiêm kích mới trang bị hệ thống điện tử được nâng cấp, có thể tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của chúng. Trong số những cải tiến này, UAC đã làm nổi bật việc Su-30SM2 hiện có tầm hoạt động xa hơn để phát hiện và xác định các mục tiêu trên không.

Ngoài ra, các tiêm kích được nâng cấp còn trang bị vũ khí chính xác tiên tiến có thể tấn công các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển ở khoảng cách hàng trăm km.

Việc hiện đại hóa này đã nâng cấp hiệu quả hoạt động của Su-30SM2, thống nhất với những yêu cầu mà Bộ Quốc phòng Nga đặt ra. Bộ này cũng không cung cấp thông tin về số lượng tiêm kích bổ sung sẽ được cung cấp trong những tháng tới.

Su-30SM2 sở hữu cải tiến đáng kể so với tiêm kích Su-30SM tiền nhiệm. Nó tăng gần gấp đôi tầm phát hiện mục tiêu và nâng cấp các khả năng chiến đấu nói chung.

Tiêm kích được nâng cấp này được thiết kế để thích nghi và đối phó hiệu quả với các hệ thống phòng không hiện đại, trong đó có các hệ thống tiên tiến như Patriot do Mỹ sản xuất.

Mô hình mới nhất, tích hợp với các hệ thống vũ khí và radar hiện đại, được cho là cải thiện đáng kể khả năng của Su-30SM2 trong chiến đấu và vô hiệu hóa các mạng lưới phòng không tinh vi.

Nga khẳng định, những tiến bộ này khiến các phi công có thể thách thức và vượt qua những hệ thống phòng không tiên tiến với mức độ chính xác và hiệu quả lớn hơn.

Đáng chú ý, Nga thông báo, một đơn vị quân sự đã chiến đấu thành công và nhắm trúng hệ thống Patriot chỉ 3 ngày sau khi Su-30SM2 đi vào hoạt động, cho thấy tác động ngay lập tức của tiêm kích này trong các hoạt động chiến đấu.

Quân đội Nga đã nhận được lô tiêm kích Su-30SM2 đầu tiên vào cuối năm 2022.

Vào thời điểm đó, chuyên gia về công nghệ quốc phòng Nga Vijainder K Thakur chỉ ra rằng phiên bản hiện đại hóa này, có tên là Su-30SMD trước khi được đặt lại tên là Su-30SM2, được phát triển sau những kinh nghiệm của không quân Nga tại Syria. Sự phát triển này phản ánh nỗ lực tích hợp các bài học chiến đấu từ các nhiệm vụ trước đó vào thiết kế của tiêm kích mới.

Ông Thakur nói một trong những mục tiêu của Su-30SM2 là kết hợp sức mạnh của dòng Su-30 với những ưu điểm của dòng Su-35. Sự tích hợp này có mục đích tổ chức hậu cần tốt hơn và giảm các thách thức bảo trì, cũng như nâng cấp hiệu quả hoạt động và sự phù hợp về chi phí.

Su-30SM2 sẽ nghênh chiến với F-16

Su-30SM2 được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với các đối thủ như F-16 của Ukraine. Vào tháng 5/2024, Su-30SM2 đã lần đầu tiên mang tên lửa không đối không tầm xa R-37M.

Những tên lửa này có tầm bắn ấn tượng lên tới hơn 300km, khiến chúng có hiệu quả cao trong việc đối phó với các mục tiêu di chuyển nhanh. Tên lửa R-37M cũng chứng minh được khả năng của mình trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khi các tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa R-37M xuất hiện như là một mối đe dọa đáng kể với các phương tiện trên không của Ukraine.

Tiêm kích MiG-31 được trang bị các tên lửa R-37M đã chiến đấu và hạ gục một số chiến đấu cơ của Ukraine. Chẳng hạn, vào tháng 12/2023, một tên lửa R-37M đã bắn hạ một tiêm kích MiG-29 của Ukraine, cho thấy hiệu quả chiến đấu của tên lửa này.

Ngoài ra, sự xuất hiện của chiến đấu cơ Su-35 được trang bị các tên lửa R-37M dự kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Nga trong việc đánh chặn và vô hiệu hóa các tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG mà Ukraine được cung cấp.

Việc triển khai rộng rãi tiêm kích Su-30 được trang bị các tên lửa trên không cho không quân và hải quân của Nga sẽ mở rộng khả năng của Moscow trong việc đánh chặn hiệu quả các mối đe dọa.

Một đặc điểm cải tiến nữa của tên lửa R-37M là hệ thống điều chỉnh vô tuyến tích hợp, giúp giảm nhu cầu điều chỉnh radar liên tục của Su-30SM2 sau khi phóng tên lửa.

Từ khóa: ukraine, tiêm kích nga sử dụng ở ukraine, xung đột ở ukraine, kỳ phùng địch thủ của f-16, tiêm kích su-30sm2, tên lửa không đối không, tên lửa r-37m, tên lửa nga, tiêm kích nga

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập